IPB

Welcome Guest ( Log In | Register )

4 Pages V   1 2 3 > » 

cchessfan
Posted on: Feb 27 2009, 08:03 AM


Advanced Member
***

Group: Members
Posts: 84
Joined: 29-March 06
Member No.: 2,591


Bạn có thể truy cập trang của liên đòan cờ để biết thông tin

http://www.vietnamchess.com.vn/index.php?o...atid=26:xiangqi

Còn đây là nội dung

Giải vô địch Cờ Tướng hạng nhất toàn quốc - National Xiangqi championships 2009

ĐIỀU LỆ GIẢI VÔ ÐỊCH CỜ TƯỚNG HẠNG NHẤT QUỐC GIA NĂM 2009
NATIONAL INDIVIDUAL XIANGQI CHAMPIONSHIP 2009
08-18 March in Binh Duong

I- Mục đích:
Nâng cao trình độ của các kỳ thủ, tuyển chọn các vận động viên vào đội dự tuyển Quốc gia chuẩn bị tham dự các giải Quốc tế năm 2009.

II- Đối tượng dự thi:
1- Các VĐV nam xếp hạng từ 01-32, nữ xếp hạng 01-16 tại Giải Cờ Tướng đồng đội toàn quốc 2008. Nếu có VĐV vắng mặt thì VĐV xếp hạng kế tiếp được thi đấu bổ sung (với điều kiện phải đạt 50% điểm trở lên).
2- Đặc cách các VĐV xếp hạng từ 1-10 ( nam) và 1-6 (nữ) tại Giải Vô địch Cờ Tướng các đấu thủ mạnh toàn quốc 2008.
3- Đặc cách các VĐV xếp hạng từ 1-6 tại Giải Vô địch hạng Nhất Cờ Tướng toàn quốc 2008 nhưng không có điều kiện dự Giải đồng đội toàn quốc 2008.
4- Đặc cách các VĐV xếp hạng Nhất lứa tuổi 13,15 và Nhất, Nhì, Ba lứa tuổi 18 tại Giải Cờ Tướng trẻ toàn quốc năm 2008.
5- Các địa phương đăng cai Giải Trẻ, Giải vô địch đồng đội, Giải vô địch hạng Nhất Cờ Tướng, Giải đấu thủ mạnh toàn quốc 2008 được phép cử thêm ngoài các đối tượng kể trên mỗi đơn vị 01 nam và 01 nữ dự thi.

III- Địa điểm và thời gian:
* Giải tiến hành tại tỉnh Bình Dương, từ ngày 08/3 đến 18/ 03/2009.
19 giờ ngày 08/03/2009 tiến hành xếp cặp thi đấu. Đơn vị nào không đến kịp coi như không tham dự thi đấu.
* Thời gian thi đấu một ván cờ:
Mỗi bên được 80 phút tích lũy 30 giây cho mỗi nước đi.Các vận động viên phải ghi biên bản trong suốt ván đấu.

IV- Hình thức thi đấu:
Chia làm 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1:
Thi đấu và xếp cặp theo hệ Thuỵ Sĩ có điều chỉnh của FIDE trong 11 ván (nam) và 9 ván (nữ).
Hai ván cuối cùng các VĐV cùng địa phương không gặp nhau.
Xếp thứ tự hạt giống lần lượt theo: thứ hạng Giải hạng Nhất Cờ Tướng toàn quốc 2008, kết quả Giải Cờ Tướng đồng đội toàn quốc 2008, xếp theo vần tên (A, B, C...).
- Giai đoạn 2:
Đấu đối kháng cá nhân theo thể thức loại trực tiếp trong 2 ván:
a/ Nam :
1/ Đấu đối kháng giữa 02 VĐV xếp hạng 1-2 ở giai đoạn I (vòng đầu) để tranh hạng Nhất, Nhì.
2/ Đấu đối kháng giữa 02 VĐV xếp hạng 3-4 ở giai đoạn I tranh hạng Ba.
3/ Đấu đối kháng giữa 02 VĐV xếp hạng 5-6 với 02 VĐV xếp hạng 7-8 ở giai đoạn I (5 gặp 8, 6 gặp 7) tranh hai hạng 5 và 6
4/ Đấu đối kháng giữa 02 VĐV xếp hạng 9-10 với 02 VĐV xếp hạng 11-12 (9 gặp 12, 10 gặp 11) tranh hai hạng 9 và 10.
b/ Nữ :
1/ Đấu
đối kháng giữa 02 VĐV xếp hạng 1-2 ở giai đoạn I (vòng đầu) để tranh hạng Nhất, Nhì.
2/ Đấu đối kháng giữa 02 VĐV xếp hạng 3-4 ở giai đoạn I tranh hạng Ba.
3/ Đấu đối kháng giữa 02 VĐV xếp hạng 5-6 với 02 VĐV xếp hạng 7-8 ở giai đoạn I (5 gặp 8, 6 gặp 7) tranh hai hạng 5 và 6.
áp dụng Luật thi đấu hiện hành.

V- Xếp hạng:
Giai đoạn 1: Lần lượt theo điểm, hệ số lũy tiến, số ván thắng, số ván cầm quân Đen, số ván thắng bằng quân Đen, ván giữa các đấu thủ và mầu quân của ván này (nếu gặp nhau), bốc thăm.
Giai đoạn 2: Theo điểm của trận đấu. Nếu tỷ số hoà 1-1 sẽ xếp theo thứ hạng của giai đoạn 1. Xếp hạng cho các VĐV thắng trong các trận đấu chéo. Xếp hạng theo thành tích của các VĐV đó ở giai đoạn 1. Xếp hạng các VĐV không lọt vào giai đoạn 2 căn cứ vào thành tích giai đoạn 1 để xếp hạng chung cuộc.

VI- Khen thưởng:
- VĐV đứng đầu được nhận Cúp vô địch Quốc gia 2009
- VĐV xếp hạng từ 1-3 được nhận huy chương Vàng, Bạc, Đồng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và được xét vào đội dự tuyển Quốc gia.
- VĐV xếp hạng từ 1-6 được đặc cách dự giải vô địch Cờ Tướng hạng nhất năm 2010 và giải thưởng của Ban tổ chức.
- Các VĐV được xét phong cấp theo tiêu chuẩn phong cấp Cờ Tướng Quốc gia.

VII- Các qui định khác:
- Các đơn vị đài thọ chi phí đi lại ăn, ở, tiền mua tài liệu biên bản ván đấu trong thời gian dự giải cho đoàn của mình và phải đóng lệ phí thi đấu mỗi VĐV là 150.000đ (một trăm năm mươi ngàn đồng) cho LĐCVN.
- Đăng ký dự giải gửi về Liên đoàn Cờ Việt Nam (36 Trần Phú - Hà Nội) và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương trước ngày 25/02/2009.

  Forum: Diễn Đàn Việt Nam · Post Preview: #10511 · Replies: 4 · Views: 12,356

cchessfan
Posted on: Feb 17 2009, 09:42 AM


Advanced Member
***

Group: Members
Posts: 84
Joined: 29-March 06
Member No.: 2,591


Cờ tướng Việt Nam 2009: Phấn đấu bảo vệ HCV ở Asian Indoor Games

Năm qua, cờ tướng Việt Nam tiếp tục đạt một số kết quả tương đối khả quan: 1 HCB và 2 HCĐ tại Đại hội thể thao trí tuệ thế giới lần 1 (Trung Quốc), và 3 HCB tại giải vô địch châu Á tại Singapore. Thành tích này cao hơn chiếc HCĐ duy nhất của Ngô Lan Hương ở giải vô địch châu Á năm 2006 diễn ra tại Bà Rịa Vũng Tàu.

Có thể nói, qua các giải đấu trên, trật tự chung của làng cờ tướng thế giới vẫn chưa thay đổi khi Trung Quốc tiếp tục giữ vững vị trí số 1, tiếp theo là Việt Nam, Đài Loan, Hong Kong, Macao, Philippines, Singapore… Tuy có khả năng gây sức ép, nhưng qua các cuộc so tài chính thức và giao hữu đã lộ rõ tính chuyên nghiệp của các kỳ thủ Việt Nam chưa thể bằng các kỳ thủ Trung Quốc.

Tâm lý thi đấu chưa vững vàng nên đã dẫn đến một số ván thua đáng tiếc hoặc hòa trong thế thắng, ngay cả phong độ và thể lực của các cao thủ Nguyễn Vũ Quân, Trềnh A Sáng, Ngô Lan Hương cũng không ổn định nên chưa thể thực hiện được các cuộc lật đổ.

Dù vậy, với những thành tích trong 2 năm qua, đầu năm 2009, Hiệp hội cờ tướng thế giới vừa phong cấp Đặc cấp quốc tế đại sư (tương đương Đại kiện tướng quốc tế môn cờ vua) cho kỳ thủ Ngô Lan Hương và Quốc tế đại sư (tương đương Kiện tướng quốc tế) cho Đàm Thị Thùy Dung.

Ở đấu trường trong nước, hệ thống thi đấu có thêm giải các đấu thủ xuất sắc toàn quốc tạo cơ hội cho các kỳ thủ cọ xát. Lực lượng VĐV cũng xuất hiện một số nhân tố mới có trình độ cao - Lại Lý Huynh (Cà Mau, HCB U18 châu Á), Trần Chánh Tâm, Cao Phương Thanh, Nguyễn Hoàng Yến, Đàm Thị Thùy Dung (TPHCM). Các đơn vị TPHCM, Đà Nẵng, Bà Rịa Vũng Tàu… vẫn duy trì thế mạnh. Bình Dương mới trở lại đấu trường nhưng cũng có khả năng cạnh tranh trong lúc Hà Nội có vẻ như chựng lại.

Tuy cờ tướng là trò chơi phổ thông từ thành thị đến thôn quê, nhưng nhiều địa phương chỉ đầu tư theo thời vụ nên một số nơi chưa phát huy hết tiềm năng như: Khánh Hòa, Cần Thơ, An Giang, Hải Phòng…

Năm 2009, cờ tướng Việt Nam sẽ hướng đến 3 mục tiêu lớn: giải vô địch thế giới diễn ra ở Canada (tháng 8), giải vô địch cá nhân châu Á tại Malaysia (tháng11) và trọng tâm là Asian Indoor Games lần 3 ở Quảng Ninh vào đầu tháng 11. Tại đại hội lần này, cờ tướng thi đấu 4 nội dung: cờ nhanh cá nhân và cờ tiêu chuẩn đồng đội (nam, nữ). Theo HLV Hoàng Đình Hồng, dù sẽ gặp rất nhiều khó khăn trước Trung Quốc, Đài Loan… nhưng cờ tướng vẫn nỗ lực phấn đấu bảo vệ thành tích tích 1 HCV đã đoạt tại Asian Indoor Games lần 2-2007.

Cờ tướng Việt Nam sẽ khởi đầu năm 2009 bằng cuộc so tài tại giải cờ tướng nam-nữ hỗn hợp Three-Li Cup International City trong khuôn khổ lễ hội truyền thống đa sắc tộc Australia 2009 từ ngày 12 đến 17-2 tại Canberra và Sidney. Có 8 thành phố lớn của Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Philippines, Singapore, Mỹ, Việt Nam (HLV Hoàng Đình Hồng, 2 VĐV Diệp Khai Nguyên và Ngô Lan Hương) và Australia sẽ tham gia tranh tài theo thể thức vòng tròn.

T.Q


TRÚC QUỲNH
(SGGP Thể thao)

  Forum: Diễn Đàn Việt Nam · Post Preview: #10463 · Replies: 0 · Views: 6,241

cchessfan
Posted on: Feb 13 2009, 06:44 AM


Advanced Member
***

Group: Members
Posts: 84
Joined: 29-March 06
Member No.: 2,591


Giải cờ tướng quốc - Cúp Phương Trang 2009

• 6.000 USD cho ngôi vô địch

Theo tin từ BTC, cho tới chiều qua đã có 7 kỳ thủ quốc tế nhận lời tham dự giải, bao gồm: Hứa Ngân Xuyên (TQ, ĐKVĐ thế giới), Tưởng Xuyên, Trương Cường (TQ), Lý Cẩm Hoan (Macau), Ngô Quý Lâm (Trung Hoa Đài Bắc), Triệu Nhữ Quyền (Hong Kong), Trang Hoằng Minh (Philippines). Vị khách mời thứ 8 sẽ là nhà tân vô địch của Singapore (chưa xác định).

Tất cả những cái tên kể trên đều thuộc diện “có máu mặt” trong làng cờ thế giới, đủ thấy uy tín của giải đã được nâng lên một tầm đáng kể. Danh kỳ Hứa Ngân Xuyên thì đã quá nổi tiếng, anh từng sang VN huấn luyện đội tuyển cờ tướng TPHCM trong 1 tháng và hiện vẫn có hệ số đứng đầu làng cờ Trung Quốc. Danh thủ Trương Cường cũng là VĐV kỳ cựu của TP Bắc Kinh, từng là tác giả của một số sách nghiên cứu về cờ tướng có uy tín. Riêng kỳ thủ trẻ 25 tuổi Tưởng Xuyên - tuyển thủ QG của Trung Quốc - đang thật sự là một hiện tượng thú vị khi liên tiếp thắng 3 giải lớn của Trung Quốc trong thời gian gần đây. Đặc cấp quốc tế đại sư Lý Cẩm Hoan (Macau - cựu Á quân TG) cũng từng gây chấn động làng cờ thế giới khi đánh bại cả 2 đại cao thủ Trung Quốc ở giải VĐTG năm 2005...

Cơ cấu VĐV chủ nhà cũng có đôi chút thay đổi khi BTC quyết định không mời các kỳ thủ nữ nhằm đảm bảo chất lượng của giải. Cả 3 tuyển thủ nam QG tới thời điểm này là Nguyễn Thành Bảo, Lại Lý Huynh và Trần Chánh Tâm đều tham gia. Ngoài ra, còn có những gương mặt quen thuộc như các cựu VĐQG đồng thời mang đẳng cấp Đặc cấp quốc tế đại sư Nguyễn Vũ Quân (Hà Nội), Trềnh A Sáng, Trương Á Minh (TPHCM), các QTĐS: Mai Thanh Minh, Đào Quốc Hưng, Nguyễn Hoàng Lâm (TPHCM), Đào Cao Khoa (BR.VT), Mong Nhi (Bình Định), Trần Văn Ninh, Võ Văn Hoàng Tùng (ĐN)...

Nhà vô địch giải này sẽ nhận được khoản tiền thưởng 6.000 USD, Á quân nhận 3.000 USD... Toàn bộ 24 VĐV dự giải đều sẽ nhận mức thưởng nhất định và được đài thọ toàn bộ chi phí. Giải được tiến hành tại Đà Nẵng từ 21-28/3.


THÀNH CÔNG
  Forum: Diễn Đàn Việt Nam · Post Preview: #10420 · Replies: 4 · Views: 12,929

cchessfan
Posted on: Jan 9 2009, 06:37 AM


Advanced Member
***

Group: Members
Posts: 84
Joined: 29-March 06
Member No.: 2,591


Chào các bạn và anh International,

Về thế trận "Phản Cung Mã" hay "Phản Công Mã" ở Việt nam mình có ba cuốn sách:

Cuốn 1 do NXB TDTT Hà nội dịch lại từ cuốn phản công mã của Hồ Vinh Hoa nghe nói lần đầu tiên xuất bản ở Thượng Hải cở năm 1970.

Cuốn nửa là cuốn do kỳ thủ HLV Nguyễn Bá Hùng biên soạn có tên là "Ngủ lục Pháo đối phản công mã"

Ngoài ra còn một cuốn của hội cờ TP Hồ Chí Minh, nhóm tác giả có lẽ là Quách Anh Tú, Lê Thiên Vị, Phạm Tấn Hòa và Trần Thế Mỹ. Cuốn này không rỏ biên soạn từ nguồn nào. Nói về năn xuất bản có lẻ cuốn này ra đời trước tiên ở Việt nam, sau đến cuốn của NXB TDTT Hà nội, cuối cùng mới đến cuốn của kỳ thủ HLV Nguyễn Bá Hùng.

Những cuốn này hiện này không còn in lại, nếu muốn tìm chỉ có nước tìm lại nguồn sách củ.

Ở Việt nam mình hình như cũng không có cao thủ xuất sắc về thế trận trên. "Độc cô cửu kiếm" Mai Thanh Minh, lợi hại và vang danh là bởi thế trận bình phong mã.

Hiện nay thấy ít cao thủ sử dụng thế trận này. Mình nhớ là trên báo TT TP HCM gần đây, HLV Lê Thiên Vị có giới thiệu ván của ông vua phản cung mả Hồ Vinh Hoa bị bại.

Vâng một hai ván đấu thì không thể đánh giá một thế trận được.

Không biết có kỳ thủ nào có đủ khả năng làm sống lại thế trận vang danh một thời này không.

Thân


  Forum: Diễn Đàn Việt Nam · Post Preview: #10364 · Replies: 7 · Views: 41,852

cchessfan
Posted on: Jan 8 2009, 08:53 AM


Advanced Member
***

Group: Members
Posts: 84
Joined: 29-March 06
Member No.: 2,591


PHÓNG SỰ - KÝ SỰ

Sài Gòn cờ “độ” tác giả MINH TÚ đăng trên các số báo SGGP tháng 8 năm 2008

Bài 1: Cái nghiệp đời người[/b]

Người ta có thể có nhiều nghề để làm, nhưng kiếm sống bằng cách… lang thang đi chơi cờ tướng, có lẽ không thể gọi là nghề. Theo “kỳ vương” Trần Đình Hòa, cờ tướng, là một cái nghiệp. Hơn thế, nó còn là đam mê đeo đẳng cả kiếp người…

Mảnh bằng... trong tủ


Chơi cờ ở khu Miếu Nổi - Bình Thạnh.

Nguyễn Huy Lam tiến chốt, tiếp tục trận đấu thủ đài ở kỳ đài Nhà văn hóa Thanh Niên bằng thế “bình phong mã hiện đại”. Đây là một thế trận khá cơ bản đối với giới cao thủ cờ tướng, chuyên dùng cho những người đi sau, khi phải đối chọi với các cao thủ đi trước, tấn công bằng pháo đầu.

Thế trận bình phong mã vốn xuất hiện trong Mai Hoa Phổ từ thời nhà Thanh (Trung Quốc), nhưng cùng với sự phát triển của cờ tướng hiện đại, trận thế vốn có từ hơn 300 năm trước đã được cải biên thành những biến thế mới, có thể đối phó với những thế tấn công hung hãn của đòn “pháo đầu mã đội, cấp tấn trung binh”. “Tối nào mình cũng lên mạng, hoặc lật sách ra nghiên cứu. Mình vừa tải về toàn bộ các ván đấu mới nhất tại giải vô địch Trung Quốc. Đánh cờ tướng bây giờ, không rành khai cuộc, không kịp cập nhật những thế trận mới nhất, có thể thua lãng xẹt một tay “cờ ma” nào đó, nếu để lọt vào một thế trận đã từng diễn ra bên… Trung Quốc”, Lam nói.
Lam là một trong các kỳ thủ trẻ có chút tiếng tăm của TPHCM, và ở một nơi được giới địa ốc cho rằng có thế “rồng nằm, cọp ẩn” (khu Miếu Nổi) nơi có hàng loạt “Quốc tế Đại sư” (đẳng cấp Quốc tế Đại sư được xem như tương đương với kiện tướng quốc tế và đại kiện tướng quốc tế - danh hiệu được công nhận trong cờ tướng). Vị trí cao nhất mà Lam từng giành được, là hạng 6 tại giải vô địch cờ tướng A2 toàn thành vào 2 năm trước.

Tuy nhiên, với đẳng cấp và độ “lì” đòn của mình, hiện nay Lam có thể tự tin để đối mặt cả với các cao thủ hàng đầu của Việt Nam như Trềnh A Sáng, Trương Á Minh, Mai Thanh Minh… Cái Lam trội hơn hết, là tuổi trẻ. Năm nay, Lam mới 30 tuổi và anh mới chỉ gia nhập làng cờ chưa đầy 10 năm nay. Lam thực sự chỉ mới gia nhập “làng cờ” từ khi học năm thứ 2 tại ĐH Kinh tế TPHCM và xem đây là môn thể thao trí tuệ. Với môn thể thao mà người ta có thể chơi ở đỉnh cao đến hơn 60 tuổi như cờ tướng, Lam vẫn còn là “kỳ thủ trẻ” và anh còn một chặng đường rất dài ở trước mắt.
Đó là con đường mà Nguyễn Huy Lam chọn, dù phải xếp mảnh bằng cử nhân kinh tế của mình… vào tủ, để thỏa niềm đam mê.

Cờ tướng giang hồ
Đối với làng cờ, các kỳ thủ thường được chia theo đẳng cấp. Theo HLV đội tuyển quốc gia Hoàng Đình Hồng, “tướng” là các cao thủ cấp kiện tướng quốc gia trở lên, những người “đánh cờ không ai chấp nổi 2 nước”. Dưới mức “tướng” đó, các cao thủ cờ tướng giang hồ thường gặp là hạng “tá”.
Tuy nhiên, tại các “làng cờ”, danh hiệu “tướng”, “tá” được phong một cách thoải mái hơn. Những cao thủ như Nguyễn Huy Lam, Thái “cao su” đã được gọi là “tướng” trong “xóm cờ” của mình.

Ở khu vực chung cư Miếu Nổi, quận Bình Thạnh, nơi Lam “thường trú” mỗi ngày, có rất nhiều “chuyên gia cờ độ”. Thái “cao su” là một trong số đó. Từng là một vận động viên trong đội tuyển Bình Thạnh trước đây, ông Thái nay đã hơn 60 tuổi, lấy việc đánh cờ tướng “độ” vừa như một thú vui lúc về già, vừa như một nghề để kiếm tiền tiêu.

Nổi danh trong giới cờ tướng với khả năng phòng thủ “dẻo như cao su”, ông Thái là một chuyên gia cờ chấp. “Những người đánh cờ để giải trí, chủ yếu đánh chỉ ở mức độ bình thường. Mình không chấp, người ta không dám chơi với mình. Muốn chơi được nhiều và được lâu, mới đầu mình chấp người ta một ít, sau cứ tăng dần lên. Chấp đến mức mà người ta không thể ngờ là người ta thua, mà cuối cùng người ta vẫn thua, mới có thể đánh được lâu”, ông Thái nói.
Theo ông Thái, ông từng là một thợ cơ khí lành nghề, làm đến bậc 6/7. Nhưng cái nghiệp cờ đeo đẳng ông, cuối cùng đã khiến ông bỏ việc. Bao nhiêu năm “lăn lộn giang hồ” từ trước năm 1975 đến nay đã rèn cho ông Thái một bản lĩnh đánh độ. Về cờ độ, cờ chấp, những người như ông Thái hơn hẳn dân học cờ bài bản như Lam. Mấy chục năm “trong nghề”, dù kiếm được rất nhiều tiền từ cờ tướng độ, nhưng ông Thái chưa bao giờ khá lên được. “Lúc kiếm được “nai” cũng phải chia nhau ra mà ăn, đánh thắng cũng phải đi nhậu à. Có lúc kiếm được nhiều tiền, nhưng cuối cùng, cũng chẳng gom góp được đâu”, ông Thái tâm sự.

Cái may mắn lớn nhất trong đời ông Thái, không phải là những lần gặp được “đại gia” nuôi cơm ông trong nhà hàng tháng trời và đánh độ với ông không sợ hết tiền, mà lại là… lần nhà ông bị cháy trong vụ cháy hơn 40 căn nhà ven kênh Nhiêu Lộc vào dịp tết năm 2004 (tháng 1 năm 2004) … “Nhà tui là nhà ổ chuột, ghép mấy mảnh tôn, mảnh gỗ lại. Tết năm đó, cháy 1 cái hết trơn, không chạy được cái gì, mà cũng có gì đâu mà chạy. Ai ngờ, cháy nhà dịp đó lại may. Thành phố cho tụi tui lên ở tạm chung cư, rồi viện trợ của khắp nơi đổ về. Nào mì, nào gạo, nào tiền. Cháy nhà mà có quá chừng đồ ăn tết”, ông Thái hể hả cười, khoe hàm răng… thiếu tùm lum.


Thư giãn với cờ tướng. Ảnh: HOÀNG ANH THƯ

Đối với các cao thủ cờ tướng giang hồ, nghệ thuật đánh cờ chấp và đánh cờ lừa là điều không thể thiếu. Khác với đánh cờ tại các kỳ đài hay giải đấu, đánh cờ độ, đánh cờ chấp, một trong các yêu cầu quan trọng là phải thủ dẻo, lạng khéo, đưa ván cờ vào những chỗ phức tạp, để người chơi bình thường không thể đưa ra những quyết định chính xác nhất. Mỗi khi người ta có sai lầm, đó là cơ hội của các cao thủ cờ “độ”. “Khi chấp quân, thì mình phải biết rằng, cũng là con xe, con pháo cả, nhưng ở trong tay mình, con xe phải mạnh hơn con xe họ, con pháo phải mạnh hơn con pháo họ”, ông Thái “truyền nghề”.
Khu vực chung cư Miếu Nổi có rất nhiều quán café chuyên đánh cờ tướng, “cọp” như ông Thái hay Lam cũng nhiều, mà “nai” (những người đánh cờ yếu nhưng có tiền), cũng lắm. “Buôn có bạn, bán có phường”, phần lớn các “cư dân thường trú” tại đây đều tụ họp thành nhóm, đánh độ một ván lớn tiền thì không chỉ một người cầm quân chơi, mà những người khác đều có thể hùn tiền theo. Thắng cùng ăn, thua cùng chịu. Tất nhiên, khi gặp “nai” chính hiệu, “công nghệ xẻ nai” của “hệ thống cọp” tại đây ít khi để cho “nai” trốn thoát. Tuy nhiên, dễ “ăn” nhất vẫn là các “con nai” thích chơi “cờ úp”, một loại cờ tướng biến tấu, rất phổ biến ở Sài Gòn, và hầu như chỉ phổ biến ở nội thành TPHCM từ hàng chục năm nay.

TPHCM không chỉ là nơi có nhiều điểm đánh cờ tướng độ, mà còn có nhiều “kỳ đài”, một dạng thi đấu cờ có thưởng hàng tuần, được các cơ quan hoặc cá nhân tổ chức. Trong mấy năm gần đây, TPHCM có nhiều kỳ đài nổi tiếng tổ chức hàng tuần hoặc thậm chí hàng ngày như kỳ đài Kỳ ngộ, kỳ đài Cung văn hóa Lao động, Kỳ đài Vọng các, kỳ đài NVH Thanh Niên… Phần thưởng cho người thắng cuộc thường là 100 ngàn đồng, hòa là 50 ngàn. Người thắng được làm “đài chủ”, thủ kỳ đài cho lần tiếp theo. Nếu ván cờ hòa, đài chủ tiếp tục được thủ đài. Tại các kỳ đài như vậy, thường có bình luận viên, bình luận sau mỗi nước đi của ván cờ tại bàn cờ treo bên ngoài cho khán giả xem.

Các kỳ đài tại TPHCM từng thu hút danh thủ hàng đầu khắp cả nước tham gia thi đấu.


Sài Gòn cờ “độ” - Bài 2: Ở thế giới 30 con úp ngược

Hơn 10 năm nay, “cờ úp” vẫn chưa ra khỏi nội đô TPHCM. Ở các quận huyện vùng ven, ít khi thấy một bàn cờ úp, trong khi ở nội thành, các quán cà phê cờ tập trung đông người, lại thấy đầy rẫy những bàn cờ mà trên bàn, các nắp nhựa đỏ chót, loại nắp của các hộp đựng vàng, được úp kín gần hết các quân cờ. Cờ úp hấp dẫn bởi tính may rủi và yếu tố bất ngờ cao…

Mập mờ xe pháo

Cái may rủi và cũng là sự hấp dẫn của cờ úp ở chỗ, chỉ trừ 2 con tướng mở mặt, còn lại 30 con cờ đều được úp lại bởi các nắp hộp màu đỏ. Sau khi 30 quân cờ được hai đấu thủ úp mặt xuống bàn, họ bắt đầu xào trộn lung tung các quân cờ, rồi đổi qua cho đối thủ “xào” thêm một lần nữa, trước khi đậy lên trên quân cờ những cái nắp hộp màu đỏ để che kín con cờ.

Họ lại đổi qua, xào lại lần nữa trước khi 30 con cờ đó được sắp vào các vị trí ban đầu của bàn cờ tướng thông thường. Khi được di chuyển, con cờ ấy mới được “mở mặt nhìn đời”. Sau một nước đi, nắp hộp mở ra, khi ấy, con pháo giả có thể là con sĩ, con xe được lật mặt… Và, khi ấy, các quân cờ mới bắt đầu đi theo đúng cách đi của con cờ đó trong bàn cờ tướng.

Bởi tính bất ngờ của cờ úp, việc các quân cờ lớn như xe, pháo sớm lộ mặt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả của ván đấu.


Chơi cờ úp ở TPHCM.

Cũng chính vì tính may rủi hiện diện trong ván cờ, mà các kỳ thủ ở Sài Gòn có thể đánh hoài mà không chán và vui tay họ có thể độ đến 1 triệu đồng một ván cờ.

Bỏ qua yếu tố cờ bạc mà một số người thích “độ” thì có rất nhiều người đam mê hình thức chơi cờ úp vì tính bất ngờ của một ván cờ đã hấp dẫn người chơi. “Hên xui thôi! Gặp ngày “hừng” cờ lên, mình vọt xuống là úp trúng con lớn liền à”, thầy giáo A nói.

Đối với dân cờ úp, trong các ván cờ này, chỉ có 3 phần may mắn, 7 còn lại là phần tài năng. Hai đối thủ ngang ngửa nhau vẫn có thể ăn nhau cả chục ván một ngày, nếu hôm ấy họ ra tay là cờ “đỏ”.

Với các tay chơi cờ để giải trí, hên xui chỉ thêm sự hấp dẫn thì đối với các “thợ”, chuyện hên xui là tối kỵ. “Đã làm “nghề” này, mà trông vào hên xui, thì có mà húp cháo”, do vậy họ phải có những chiêu thức riêng, những ngón nghề trong “nghệ thuật xào cờ”, “lên máy” sao cho phần “đỏ” luôn thuộc về mình.

Cùng với việc luyện tập chơi cờ, việc tập luyện cách “xào cờ”, “biết dấu” cũng là yêu cầu cơ bản để các “thợ” “ra giang hồ”. “Cái gì có úp xuống là có gian lận”, “kỳ hòa vương” P.Đ.H đúc kết tại một kỳ đài từ 6 năm về trước.

Lão kỳ thủ Thái “cao su” gắp một miếng tôm khô củ kiệu, chiêu một ngụm bia rồi khề khà giảng giải: “Cờ tướng thông thường thì kiểu gian lận duy nhất là có cao thủ ở ngoài, dùng ám hiệu để chỉ cho người trong cuộc. Máy một ngón tay, gõ ngón tay xuống mặt bàn, hay nhấp nháy mấy que hương điện trên bàn thờ đều có thể là dấu hiệu để hướng dẫn nước đi. Đối với cờ úp, nếu muốn gian lận, dễ hơn nhiều”.

Tìm ngọc giữa chốn “giang hồ”

Bí quyết quan trọng nhất để giành chiến thắng trong cờ úp là biết được xe, pháo… sau khi úp lại thì nằm ở đâu. Muốn biết con nào đang nằm úp mặt ở đâu trên bàn có 3 cách để biết, đó là: “điểm”, “mài” và “lên máy”.

“Điểm”, là cách làm đơn giản nhất, nói đơn giản hơn đó là “điểm chỉ” nghĩa là làm ký hiệu, đánh dấu lên các con cờ hoặc các chiếc nắp úp cờ. “Mài” thì cách ăn gian “cầu kỳ” hơn một chút, đó là phải mài các con xe, con pháo mòn đi một ít, chỉ thấp hơn con cờ bình thường từ 1 đến 2mm, người sử dụng quen bộ cờ đó có thể nhận ra ngay khi sắp cờ, còn người lạ đối với bộ cờ đó thì không thể nhận ra được. Cả hai cách này đều có một nhược điểm rất lớn là phải sử dụng đúng bộ cờ đó thì mới có thể gian lận được. Gặp bộ cờ lạ thì thua!


Chơi cờ, thú vui được nhiều người ưa thích. Ảnh: HOÀNG ANH THƯ

Cách cuối cùng, thường được sử dụng nhất và cũng là cách khó khăn mà chỉ cao thủ cờ tướng mới dùng, đó là “lên máy”. Cách này có thể “dùng” để phân cao thấp “trong nghề”.

Đã là cao thủ, thì úp cờ lại, xào lên xào xuống, đổi tay người khác xào, úp nắp, thậm chí nhờ người khác úp giùm, họ vẫn biết xe, pháo nằm đâu! Trong ván cờ úp mà biết được đâu là xe, đâu là pháo, thì khả năng chiến thắng đã là 70%-80%.

“Con mắt của cao thủ “lên máy” phải thật nhanh. Mắt của họ phải liếc qua liếc lại rất nhanh và trí nhớ của họ rất tốt nên dù úp mặt cờ rồi trộn nháo nhào thì họ vẫn kịp nhìn ra con xe, con pháo úp chạy đến đâu. Dân “lên máy” thường đội sùm sụp một cái nón lưỡi trai khi chơi cờ để đối thủ không biết mắt họ đang đảo liên tục như... máy”, ông Thái tiết lộ.

Trở lại với Nguyễn Huy Lam, bây giờ công việc chính của anh vẫn là đi dạy kèm cờ tướng cho một vài cậu bé mê cờ tại tư gia, thỉnh thoảng đánh độ vài bàn cờ. Khó có thể nói rằng nguồn nào là thu nhập chính của Lam trong hai loại công việc trên. Nhưng chắc chắn rằng, nếu chỉ dựa vào vài trăm ngàn đồng dạy kèm cho một lớp học cờ, Lam không thể đủ tiền để tiếp tục theo đuổi đam mê.

Con đường để vươn lên thành một VĐV chuyên nghiệp ở TPHCM, một “địa linh” đầy những “nhân kiệt” này, Lam hiểu còn rất xa với anh. Nhiều kỳ thủ trẻ tại TPHCM vì không thể chen chân vào đội tuyển TPHCM, đành phải tìm đường về đầu quân cho các tỉnh thành bạn, để được tham gia các giải quốc gia.

Còn Lam, vì vẫn muốn được đánh cờ tại TPHCM nên anh chấp nhận “chỉ là” một VĐV phong trào, tham gia trong đội tuyển cờ tướng cấp quận. Những đội tuyển đó chỉ trả tiền bồi dưỡng cho VĐV mỗi khi có giải và họ phải tự nuôi sống mình để chờ ngày đánh giải. Nói một cách đơn giản, đối với Lam và nhiều bạn trẻ tương tự tại TPHCM, con đường lên VĐV chuyên nghiệp, nếu có thể lên được, vẫn đang phải trải qua một giai đoạn… xã hội nuôi.

Thực tế, việc VĐV đỉnh cao trong cờ tướng được xã hội nuôi, hay góp tiền nuôi bằng nhiều cách, trong đó, có cả cách chơi cờ “độ” là chuyện nhiều chứ không riêng gì các vận động viên đang… “trèo” lên đỉnh cao như Nguyễn Huy Lam. Nhiều VĐV nổi tiếng bây giờ đã chỉ lăn lộn trên những bàn cờ “độ” trong nước, thậm chí, như Nguyễn Thành Bảo, một vận động viên tuyển quốc gia, đã từng có thời gian kiếm sống bằng nghề đánh “cờ độ” ở tận Trung Quốc.

Thẳng thắn mà nói, trong suốt những tháng ngày kiếm sống bằng đánh “cờ độ”, các VĐV cờ tướng đỉnh cao của Việt Nam đã học được không ít kinh nghiệm từ những bàn “cờ độ” giữa chốn giang hồ. “Túy kỳ tiên” Trềnh A Sáng - cao thủ hàng đầu tại Việt Nam hiện nay, được ghi nhận như là người đánh cờ ngửa, cờ úp số một - cũng là “điển hình” tiêu biểu cho trường phái đi lên từ “cờ độ” chốn giang hồ.

Có lẽ, không có môn thể thao nào mà được “xã hội hóa” rộng rãi như môn cờ tướng. Cờ tướng có mặt từ nơi sang và len lỏi đến từng ngõ ngách các xóm lao động. Có nhiều cao thủ “cờ độ” sống bền lâu với nghiệp cờ. Nhưng, bên cạnh ưu điểm của phong trào cờ tướng được “xã hội hóa” như cờ độ, cũng có không ít người gặp những hệ lụy do “cờ độ” mang đến khi quá đam mê nó…
"Trong bàn cờ úp, vì các quân cờ “giả” có thể giúp các con cờ tượng, sĩ đi qua giới hạn “hoàng cung” và qua “sông”, nên loại cờ này cho phép toàn bộ các quân cờ đều được tham gia chiến đấu, “sông” chỉ còn là một cột mốc của chốt.

Cách đánh của cờ úp vì vậy dù bắt nguồn từ căn bản của cờ tướng thông thường nhưng cũng có nhiều khác biệt cả trong việc ra quân và sử dụng sức mạnh của các quân cờ. Những cao thủ cờ úp là những người có thể sử dụng được sức mạnh của các con sĩ, tượng theo phong cách cờ úp."

NHỊP CẦU BẠN ĐỌC
Phản hồi
Không có chuyện cấm đánh cờ ở khu Miếu Nổi

Sau khi loạt phóng sự “Sài Gòn cờ độ” được đăng trên SGGP, liên tục mấy ngày qua nhiều bạn đọc đã gọi điện thoại đến báo cho biết: hiện nay nhiều quán cà phê trong khu vực Miếu Nổi đã không được phép đánh cờ nữa!

Theo thông tin ban đầu từ bạn đọc, chúng tôi đã gặp ông Trần Văn Bước, Trung tá, Trưởng Công an phường 3, quận Bình Thạnh, địa bàn có nhiều quán cà phê cờ được bạn đọc phản ảnh là không được cho đánh cờ! Ông Bước cho biết hiện nay công an phường đang tiến hành sắp xếp lại lòng lề đường trong chương trình chỉnh trang đô thị, chứ thực ra, địa phương không có chủ trương cấm đánh cờ tướng. “Chúng tôi chỉ làm việc với các chủ quán, cảnh báo không để xảy ra tình trạng đánh cờ cá độ ăn tiền trong quán. Về nguyên tắc, nếu phát hiện có tổ chức cờ bạc ăn tiền lớn, lấy xâu, chúng tôi sẽ bắt và truy tố theo luật hình sự. Còn đối với những người đánh cờ để vui chơi giải trí hay cá độ ly cà phê, điếu thuốc, chúng tôi không cấm”, ông Bước khẳng định. Cũng theo ông Bước, cờ tướng là môn thể thao trí tuệ, được tổ chức thi đấu trong nước và trên thế giới, vì vậy, chủ trương của phường không hề cấm chơi môn này, mà chỉ tìm cách sắp xếp sao cho nó được phù hợp hơn thôi!

Cứ như khẳng định của ông Bước, thì đúng ra, các quán cà phê đánh cờ tại khu chung cư Miếu Nổi không việc gì mà phải vắng tanh vắng ngắt. Thực ra tại các quán cà phê cờ này, những người đánh vui chơi hay chỉ ngồi xem cờ là chính, chuyện cờ bạc ăn tiền lớn, theo ghi nhận của chúng tôi, nếu có cũng ít hơn việc đánh cờ với mục đích vui chơi giải trí nhiều. Thế nhưng, đúng như phản ảnh của bạn đọc, trong mấy ngày vừa qua, những quán cà phê đánh cờ tập hợp nhiều cao thủ nhất mà chúng tôi đã viết trong loại phóng sự 2 kỳ kể trên, đã trở thành những quán cà phê vắng. Điều này, trước đây hoàn toàn không xảy ra. Nguyên nhân do đâu? Chúng tôi không khẳng định, nhưng theo một số bạn đọc phản ảnh, nhiều chủ quán đã nhận được yêu cầu từ công an khu vực là không cho khách đánh cờ nữa, và vì lời khẳng định “không cấm đánh cờ” của ông Trưởng công an phường, không biết vì lý do gì mà chưa thông suốt xuống các hộ dân ở đây, nên những người dân yêu môn thể thao trí tuệ này ở đây vẫn đành phải “nhìn nhau cho đỡ nhớ… cờ tướng”.

Có lẽ cũng cần khẳng định thêm rằng, cờ tướng thi đấu và cờ tướng giang hồ là hai thực thể gắn khá chặt vào nhau tại Việt Nam hiện nay, vì vậy, như bài viết của SGGP đã phản ảnh, những điểm đánh cờ như tại khu Miếu Nổi, thực ra cũng là những điểm nuôi dưỡng thể thao phong trào, là nơi có thể giúp làng cờ Việt Nam “tìm ngọc giữa chốn giang hồ”. Những điểm đánh cờ như vậy có khắp nơi ở TPHCM, và có lẽ, đó cũng là một yếu tố rất quan trọng để bao nhiêu năm nay TPHCM luôn là địa phương dẫn đầu cả nước trong các giải đấu cờ tướng, đóng góp nhiều vận động viên trong đội tuyển quốc gia tham dự các giải đấu quốc tế. Bởi vậy, bên cạnh việc cờ tướng giang hồ có thể xuất hiện tình trạng cờ độ (đôi lúc mang yếu tố cờ bạc), thì cũng không thể phủ nhận được đóng góp của cờ tướng giang hồ cho cờ tướng thi đấu. Vấn đề ở đây rõ ràng không phải là cấm đánh cờ tướng, mà là làm sao để hạn chế cái xấu, phát huy cái tốt mà thôi.

Cờ tướng, bên cạnh việc là một môn thể thao thi đấu, còn được xem như một loại hình sinh hoạt văn hóa có cả ngàn năm lịch sử của đất nước. Trong câu chuyện này, chúng tôi không muốn nói sâu hơn về lý do tan tác một làng cờ tại khu Miếu Nổi hay bất cứ ở đâu đó, chỉ muốn nhắn nhủ rằng, dẫu sao những điểm sinh hoạt vui chơi giải trí lành mạnh như đánh cờ tướng trên địa bàn là hoạt động nên gìn giữ. Nếu xét theo góc độ đạo lý, pháp lý hay góc độ an ninh trật tự, thì những làng cờ, xóm cờ, quán cà phê cờ cũng đều đáng để gìn giữ và phát huy, hơn là rất nhiều loại hình giải trí thiếu lành mạnh khác hiện nay.
MINH TÚ


  Forum: Diễn Đàn Việt Nam · Post Preview: #10358 · Replies: 0 · Views: 8,660

cchessfan
Posted on: Jan 7 2009, 07:24 AM


Advanced Member
***

Group: Members
Posts: 84
Joined: 29-March 06
Member No.: 2,591


Sài Gòn “cờ thế giang hồ độ” - Bài 1: “Võ lâm nhất sát”
Tác giả :Nguyễn Lê Nguyên đăng trên các số Báo Thanh niên

“Nhất sát” giảng giải về thế “khưu dẫn hàng long” ở Hội cờ 143 Nguyễn Du, TP.HCM - Ảnh: N.L.N

Vang danh chốn giang hồ cờ độ; nhiều lần bước lên đỉnh vinh quang ở các giải thi đấu lớn; nhưng có phải cuộc đời của các kỳ vương sẽ “hoành tráng” như các danh hiệu họ đã đoạt được? Hay là nghiệp cờ vốn bạc? Loạt bài này nói về quá khứ lẫy lừng và hiện tại của một số kỳ vương còn sống ở Sài Gòn, qua đó hầu giúp người đọc có cái nhìn rõ nét hơn về thế giới “cờ thế giang hồ độ”.

Trái ngược với lời đồn đại trong giang hồ – kẻ đứng đầu “Võ lâm tam sát” Lê Thiên Vị lại là một bậc đức cao trọng vọng. Có thể nói, đến giờ, ông là một trong số ít các kỳ vương sống được bằng nghề chính đáng, tuy không giàu sang nhưng viên mãn, có phúc phần.

Người đặt tên cho giang hồ
Đọc sách cờ tướng bán ở nhà sách, siêu thị hay lên mạng internet tham khảo, sẽ luôn thấy “phấn khích” bởi những thế cờ rặt mùi binh pháp như “Bác Vọng thiêu đồn”, “phục binh yếu lộ”... Còn ở làng cờ tướng Sài Gòn, biệt danh của các kỳ thủ thường rất... kiếm hiệp, nào là “Phong trần quái khách”, “Kim mao sư vương”, “Bạch mi ưng vương”... Và người đứng ra đặt cho họ các tên hiệu này không ai khác lại là “nhất sát” Lê Thiên Vị. Có thể nói, đây là một trong những cái “công” lớn nhất của ông đối với Hội cờ TP.HCM.

Nghe qua những “thương hiệu” đó, người đời thường cảm thấy tò mò, thu hút bởi tài năng, tính cách của các kỳ thủ; làm sống động một cách rất “đời” môn thể thao tưởng chừng khô khốc. Ông Vị kể: “Xưa tôi hay đọc tiểu thuyết Kim Dung, cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi chuyện kiếm hiệp, những biệt danh này xuất phát từ đó”. Tỷ như kỳ thủ Dương Thanh Danh, có dáng người ốm, lòng khòng, ông Vị đặt hiệu cho là Khô Mộc thiền sư. Anh Trương A Minh, kỳ thủ có cặp lông mày bạc trắng được đặt hiệu Bạch mi ưng vương. Ông Vị nói: “Đặt tên, gọi hoài, đến giờ chết tên luôn”. Riêng giới nữ, ông Vị còn đặt tên cho 2 người: Diệt Tuyệt sư thái Lê Thị Hương và Kim Hoa bà bà Nguyễn Hoàng Ngọc Thảo.

Bản lĩnh “nhất sát”
Để đánh được cờ giỏi, trước hết phải có trí nhớ tốt. Lê Thiên Vị nổi lên bằng tư chất này. Hồi nhỏ, xem bố đánh cờ với khách, cậu bé Vị đứng sau chăm chú, cố nhớ lại rồi tự bày ra, chơi với nhóm bạn trong làng mình ở Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Lê Thiên Vị tuổi Quý Mùi, sinh năm 1943.

Một ngày tháng 12.2008, hẹn gặp ông ở Hội cờ 143 Nguyễn Du, Q.1, kẻ hậu bối là tôi thử “kiểm tra” mới thấy Lê Thiên Vị còn minh mẫn lắm. Năm 1965, ông có được một cuốn sách cờ được coi là “quý hiếm” vào giai đoạn đó, cuốn Toàn đồ bách cuộc phổ của Trung Quốc. Thoăn thoắt bày các quân cờ lên bàn, ông Vị nhớ lại: “Đây là ván cờ thế “khưu dẫn hàng long” trong sách, một trong những thế cờ thuộc hàng giang hồ danh cuộc”. Hồi đó, để phá thế này, ông Vị đã phải mày mò, nghiên cứu cả tháng trời. 43 năm sau, Lê Thiên Vị vẫn nhớ về nó như một thế cờ tâm đắc nhất.

Ông Vị kể đời đánh cờ của mình, có những ván xem qua người khác đánh nhưng không thể quên được. Hay có những ván ông đánh thắng, hoặc thua cũng không thể quên được. Năm 1978, tại giải cờ mừng xuân diễn ra ở Nhà văn hóa Lao động TP.HCM, ông Vị đã đấu thắng kỳ thủ Huỳnh Văn Hồng. Bày bàn cờ ra bàn, ông kể: “Tôi quân đen, đi sau. Ông Hồng đi nước tiên, vô pháo đầu”. Ở ván này, ông Vị “nhớ suốt đời” nước đánh pháo vọt sĩ, chọc thẳng vô cung của tướng đỏ. Chính vì nước cờ xuất thần này mà ông Vị đoạt thế thượng phong dù phải đi sau. Đến nước thứ 26, dù chưa bị chiếu bí nhưng đối phương phải buông cờ xin thua.

Hồi còn ở Hà Nội, khoảng năm 2005, tôi đã được may mắn nói chuyện với một trong “Bắc kỳ tứ kiệt” là ông Lê Uy Vệ, lúc đó tuổi đã cao lắm rồi. Nay lại được gặp “nhất sát”, mới nghiệm thấy ai đạt được đẳng cấp kỳ vương thì tính cách điềm đạm. Được diễm phúc hầu “nhất sát” một ván, đương nhiên tôi thua, nhưng ông Vị vẫn thận trọng cho rằng không thể chấp người mới biết chơi 2 quân xe vì “lực yếu, không thắng được”. Ông Vị nói: “Tính cách con người biểu lộ qua một ván cờ. Văn hóa cư xử cũng lộ ra ở đó. Có thể nhận thấy từ những nước khai cuộc”.

Sương gió giang hồ


Ông Lê Thiên Vị, Phó chủ tịch Liên đoàn cờ TP.HCM, hiện là một trong những HLV cờ giỏi nhất TP - Ảnh: N.L.N

Chuyên đặt tên hiệu cho kỳ thủ nhưng bản thân Lê Thiên Vị cũng không thoát khỏi việc bị giới giang hồ “phong danh”. Từ khoảng năm 1981 - 1988, ông được liệt vô “Võ lâm tam sát” gồm Lê Thiên Vị – Lê Nhị Trí – Trần Quới. Nhớ lại, ông Vị có vẻ thích thú: “Tụi tôi tàn sát võ lâm nhiều, thắng trận rất nhiều, đi đâu thắng đó. Họ mới đặt vui như vậy”. Qua năm 1988, thiên tài bạc mệnh Trần Quới mất mạng trong một chuyến vượt biên, coi như “Võ lâm tam sát” mất số.

Nói chuyện Trần Quới, rồi nhắc chuyện xưa của kỳ vương thiên tài yểu mệnh Hứa Văn Hải, chợt thấy ông Vị buồn hẳn: Năm mới 14 – 15 tuổi, vua cờ Triệu Khôn từ Trung Quốc qua Việt Nam, thấy cậu bé Hải có thiên tư bèn bày thế “đình xa vấn lộ” để thử. Hải đã phá thế bằng những nước cờ tuyệt hay, hiếm gặp ở độ tuổi. Triệu Khôn mới nhận Hải làm đệ tử. Năm 1943, tức là lúc ông Vị mới chào đời, Hứa Văn Hải đã vô địch giải “tứ hùng” dù phải chơi với ba bậc kỳ tài là Nguyễn Văn Ngoan, Hà Quang Bố, Nguyễn Thành Hội. Cùng năm đó, Hải đoạt luôn giải “Vô địch Nam kỳ”.

Rồi kỳ vương lại chết vì cờ! Nghe mà sầu thảm. Bởi Hứa Văn Hải sức cờ mạnh, suy đoán cao thâm nên đi đâu đánh độ cũng phải chấp rất nhiều, luôn phải lao tâm khổ tứ suy nghĩ. Trong khi đó, kỳ vương mắc phải bệnh lao, ăn uống thất thường mỗi khi đánh độ, chế độ dinh dưỡng kém, sức khỏe ngày càng yếu dần. Năm 1944, biết mình không qua khỏi, kỳ vương phải lui về quê nhà ở Đồng Tháp và an nghỉ giấc ngàn thu ở đây khi mới 26 tuổi.

Cái chết của thiên tài Trần Quới còn mang lại cho ông Vị nỗi buồn nhiều hơn. Hồi “tam sát” còn, ông Vị và Quới đã đi khắp nơi khiêu chiến, đánh độ, đánh đâu thắng đó. “Có thể nói, Quới là người thắng nhiều nhất trong làng cờ. Nhưng cũng chính Quới là người nợ nần nhiều nhất”, ông Vị kể. Chỉ có điều, “nó tính toán cờ hay nhưng tính cho đời mình thì dở”. Cuối cùng, Trần Quới đã phải ra đi trong cảnh nợ nần, để lại biết bao điều tiếng...

Nghe ông Vị đúc rút về lớp kỳ thủ sau này đã trót vận vô “nghiệp cờ” càng thấy buồn và tiếc: “Đã vô nghiệp cờ rồi, hầu như không đủ sống. Rồi đã bập vô đánh “độ” rồi thì quên ăn quên ngủ, sức khỏe không đảm bảo. Thiếu thốn đủ đường, từ đó lại sinh ra tiêu cực”. Biết làm gì ngoài đánh cờ độ khi mà ông Vị nói “các kỳ thủ hầu hết học vấn ít, trình độ không có, bỏ cờ cũng chẳng có việc gì mà làm”.

Sài Gòn “cờ thế giang hồ độ” - Bài 2: “Diệt tuyệt sư thái”

Diệt tuyệt sư thái với những chiến công oanh liệt một thời - Ảnh: N.L.N
Khoảng thập niên 80, làng cờ TP.HCM bỗng nổi lên một nữ kỳ thủ chẳng màng gia đình, chồng con, chỉ mê đánh cờ độ, đánh đâu thắng đó. Vì coi thường “bóng hồng” lẻ loi mà không biết bao kẻ trượng phu đã phải thất cơ. Cảm phục tài năng, “nhất sát” Lê Thiên Vị đã gọi cô là “Diệt tuyệt sư thái”. Cô là Lê Thị Hương, hiện là tuyển thủ Hội cờ TP.

Diện kiến
Theo lời giới thiệu của một đạo diễn rất mê cờ, rằng “nói đến kỳ nhân vỉa hè, phải tới được cỡ Diệt tuyệt sư thái, bà này sáng sáng xách giỏ đi chợ, kiếm tiền đánh độ về nuôi chồng con...”. Chúng tôi đã tới khu Phạm Ngũ Lão – Nguyễn Thái Sơn, Q.Gò Vấp, nơi sư thái vẫn hay “hành hiệp” ở các quán cà phê nhưng không thấy. Hỏi ra, mới biết cô đã chuyển nhà về dưới Q.1, chẳng biết ở đâu...

Phải hỏi đến hội cờ, mới biết nhà Lê Thị Hương hiện ở đường Trần Quang Khải. Mới đến đầu ngõ, hỏi nhà “chị Hương đánh cờ” thì hàng xóm ai cũng biết. Nhà sư thái tối om, cũ kỹ, trong nhà dựng xe máy nhưng cửa ngoài mở, gọi mãi chẳng thấy ai thưa. Bấm chuông thì chuông hỏng. Kêu bà hàng xóm tới, gọi thật to thì mới thấy trong nhà có tiếng mở cửa cái “rầm”. Một người đàn bà gầy ốm, tóc rối bù xù bước ra “có chuyện chi không”. Đó là Diệt tuyệt sư thái! Hôm nay sư thái bệnh, ngủ dậy hơi muộn. Lúc đó đã hơn 10 giờ sáng.

Tôi lại phải chạy về cơ quan vì sư thái hẹn “nói chuyện” tại nhà cô vào lúc chính ngọ, cái giờ mà bụng người đời đã sôi sùng sục lên vì đói. Đúng 12 giờ trưa, quay lại thì sư thái đã tỉnh ngủ nên đem lại một sự vững tâm hơn. Hóa ra sư thái cũng hiền lành, nói chuyện đến cờ, cô vui vẻ hẳn, cười liên tục.

Đường vào “cờ thế giang hồ độ”

Trong căn nhà nhỏ, âm thầm dạy con chơi cờ tướng, hy vọng tương lai nó sẽ thành đạt bài bản hơn - Ảnh: N.L.N
Lê Thị Hương sinh năm 1961, đàn bà tuổi con trâu, Tân Sửu. Nghe nói, hồi nhỏ bé Hương nghịch ngợm khác người, ông bố muốn con đằm tính lại nên dạy cho cô chơi cờ tướng. Chẳng ngờ bé Hương lại có năng khiếu bẩm sinh. Khi đã lần lượt vượt qua bố, qua các anh thì tên tuổi Hương cũng đã lẫy lừng cả xóm, đánh đâu thắng đó. Mê cờ, bé Hương bỏ học sớm, vừa phụ giúp gia đình buôn bán vừa kiếm tiền từ đánh cờ độ. Rồi biến cố đã ập đến với Hương khiến đời cô chuyển hẳn sang ngã rẽ khác. Năm 1976, mẹ cô mất. Rồi đến năm 1978, bố Hương qua đời. Hương bỏ hẳn buôn bán, mưu sinh bằng đánh cờ độ.

“Đánh độ, lúc thắng, lúc thua. Thua hết tiền lại về buôn bán kiếm tiền đánh tiếp. Cả chục năm trời”, Hương kể. Khi quanh khu vực nhà cô ở đã không còn đối thủ, mình Hương thân gái dặm trường đã dám tìm tới khiêu chiến ở những sòng cờ khác quận. Tiền lận lưng cũng đâu có nhiều, giỏi ra thì được khoảng 1 chỉ vàng vào thời đó. Vừa mưu sinh, vừa mê cờ, bẵng đi một quãng đời thanh xuân tươi đẹp, Hương mới lấy chồng, sinh con...

Câu chuyện chợt đứt mạch khi cậu con trai trông tuấn tú của cô kêu Hương chở đi học sớm. “Hổ mẫu sinh hổ tử”, cậu con duy nhất của Hương năm nay mới đoạt giải nhất cờ vây TP, độ tuổi 7 – 12. “Học mấy tháng được giải”, chợt thấy sư thái vui hơn. Cô nói mình đã không còn sống với chồng từ bốn năm nay. Bây giờ sư thái nuôi con, chở con đi học một mình, thỉnh thoảng mới đưa con về nhà nội thăm bên Gò Vấp.

Quốc tế đại sư
“Diệt tuyệt sư thái” kể: “Thường thì đàn ông thích chơi cờ với nhau hơn, ít khi đánh với nữ”. Cái ưu thế của cô chính là đem lại cho họ sự tò mò khi đánh độ: “Đôi khi, họ muốn đánh thử với mình xem, cách đánh mình thế nào. Cũng có lúc, họ xem thường con gái”.

Nói đến kỳ nhân vỉa hè, phải tới được cỡ Diệt tuyệt sư thái, bà này sáng sáng xách giỏ đi chợ, kiếm tiền đánh độ về nuôi chồng con.

Một đạo diễn rất mê cờ ở TP.HCM

Một lần, khoảng giữa thập niên 80, Hương có khách bắt độ là một “ông già 80” như người đời vẫn gọi. Ông già cao tuổi nhưng rất mê cờ, tính lại nóng nên hễ thua là chửi, xin khất tiền. Cáp độ với “đứa con gái” là Hương, ông kêu phải chấp 1 xe. Đánh hoài, đánh hoài ổng cũng chẳng thắng nổi “đứa con gái”. Có trận, đánh nhiều ván từ 10 giờ sáng đến 6, 7 giờ chiều vẫn chưa buông bàn. Được cái ông già chỉ mê cờ thôi chứ không máu cờ bạc nên ván nào cũng đánh độ số tiền như nhau, không đánh “đôn”, đánh “bồi” tiền. Có lần, thua nhiều quá, hết sạch tiền rồi nhưng “ông già 80” vẫn bắt Hương đánh tiếp, xin khất mai trả. Nhưng đánh hoài cũng chẳng thắng nổi một “đứa con gái”.

Có một lần “nhớ đời” trong quãng thời gian hành hiệp, Hương nói “đến già cũng không dám đi nữa”. Đó là lần cô được ông anh giang hồ dẫn vô đánh cờ độ trong một hẻm lạ. Tin tưởng tài nghệ Hương, ông anh quả quyết: “Đi kiếm tiền, chắc chắn ăn được”. Hai anh em tướng tá ốm yếu mới liều mạng “vào hang bắt cọp”. Đối thủ sức cờ không cao nhưng đòi đánh “đôn”, tiền độ ván sau gấp đôi ván trước. Hương dễ dàng thắng ngay hai ván. Đến lúc này, đối thủ bắt đầu nóng mặt. Trong khi, dân trong hẻm chẳng biết ở đâu bu lại như kiến, chửi thề rần rần bởi tưởng bị gài độ. Bị cả chủ lẫn khách gây sức ép, ván thứ 3 Hương tiếp tục phải đánh “đôn”. Cô buộc phải xin thua rồi đứng dậy, “bận chuyện đi về”. Trả lại hết tiền, qua khỏi hẻm mà trống ngực vẫn đập thình thình vì sợ: “Sợ dân xóm đánh ông anh thôi, họ nghĩ ổng gài độ mình vô đây để lấy tiền người xóm”. Mới biết, bản lĩnh giang hồ cũng như sức cờ của Hương lúc đó đã mạnh như thế nào.

Đến năm 1993, TP bắt đầu có giải cờ nữ, bên Q.4 thấy Hương đánh hay nên kêu vô đội. Tất nhiên là Hương vô đối. Rồi cô được diện kiến “ngũ ca” Quách Anh Tú của nhóm Thất Đang, lúc đó làm Chủ tịch Hội cờ TP. Chỉ qua vài nước đi, “ngũ ca” đã phát hiện ngay tài năng đầy hứa hẹn của “con họa mi đá”. Chẳng cần tuyển trạch, ông Tú cất luôn Lê Thị Hương vào đội tuyển TP, năm đó cử đi ngay Bắc Kinh thi tài. Trời chẳng phụ lòng người. Ngay lần đầu tiên bước khỏi thế giới cờ độ giang hồ đến với sân chơi quốc tế, “Diệt tuyệt sư thái” đạt hạng 4 giải vô địch thế giới. Cùng năm đó, cô giành luôn hạng 3 giải Các danh thủ châu Á tại Thái Lan, rồi được phong ngay là Quốc tế đại sư. Từ đó đến năm 2001, Lê Thị Hương đăng đàn, liên tục giành các danh hiệu vô địch trong nước, giải thứ hạng cao cấp quốc tế...
***
“Nhất sát” Lê Thiên Vị nói rằng những năm gần đây, sức cờ của Diệt tuyệt sư thái đã không còn mạnh như trước. Tương lai, Hương sẽ được bồi dưỡng, quy hoạch làm công tác huấn luyện. Bản thân cô cũng mong muốn làm huấn luyện viên dù cho các sếp vẫn nói “còn đánh được cứ đánh đi”. Vậy là hằng tuần, sư thái vẫn sang bên Q.4 luyện cờ, học hỏi thêm kinh nghiệm với thầy Mai Thanh Minh. Những ngày không học, cô phải lặn lội xuống tận khu người Hoa ở Q.5, Q.6 để đánh độ “dợt cờ”. Tập luyện là chính chứ cáp độ cũng chẳng được bao nhiêu nữa, có ngày chẳng được độ nào, cà phê chán rồi lại về đón con. Khi đồng lương tuyển thủ không đủ sống, hỏi Hương sao không tham gia dạy thêm, cô nói rất thật: “Phụ huynh cũng nhiều người xin dạy cho con họ nhưng trình độ phổ thông mình không cao, không dám nhận”.
Nghe chuyện “Diệt tuyệt sư thái” lừng lẫy một thời, giờ vẫn còn phải đối mặt nỗi lo cơm áo, chợt thấy buồn và tiếc.

Sài Gòn “cờ thế giang hồ độ” - Bài 3: "Thuận pháo vương"

Kỳ thủ Phạm Tấn Hòa nâng cao một chiếc cúp từng vô địch - Ảnh: N.L.N

Năm 1974, giới chơi cờ đồng cảm phục phong danh hiệu "Thuận pháo vương" cho kỳ thủ Phạm Tấn Hòa, một trong những tinh hoa của làng cờ tướng thành phố với bí kíp khai triển hai ngọn pháo xuất quỷ nhập thần.

Bí kíp lót vali
Năm 1959, kỳ vương Hồng Kông Lý Chí Hải sang Sài Gòn thi đấu, mang theo một cuốn sách quý về cờ tướng. Hồi đó, sách Trung Quốc bị cấm ở Việt Nam vì nhiều lý do. Để trót lọt, kỳ vương Hải đã phải tháo bỏ bìa sách, xé từng trang sách rời rạc đem lót dưới đáy vali, hành lý... xem như những tờ giấy lộn. Sang tới Sài Gòn, kỳ vương được kỳ thủ Việt Nam Nguyễn Văn Anh đãi đằng thân mật lắm, nói như ông Hòa thì "sáng cháo, chiều cơm, tối yến"... Cảm phục tình thâm giao, kỳ vương Hải gom những trang sách đó lại, tặng cho người bạn cờ Việt Nam. Ông Anh mới đóng lại thành một cuốn, coi như sách gối đầu giường.

Năm 1969, như duyên trời định, ông Anh tặng lại Phạm Tấn Hòa cuốn sách quý, thậm chí lúc đó ông Hòa cũng không biết nó tên gì nhưng ông dám chắc "ngoài tôi ra không ai có cuốn thứ hai". Đọc nghiến ngấu cuốn sách, ông Hòa thấy nó quá hay, biến hóa khôn lường, đặc biệt ông rất tâm huyết thế trận thuận pháo. Năm 1971, ông Hòa đã phần nào cảm nhận được tinh hoa của thế trận, bắt đầu sử dụng vào những ván cờ, qua đó chiếm nhiều thượng phong. Phải đến 3 năm sau, ông Hòa mới cho rằng mình tạm thời đã nghiên cứu và lĩnh hội xong cuốn sách, lúc đó ông mới biết tên nó là Tượng kỳ trung phong của soạn giả Vương Gia Lương người Trung Quốc.

Ông Hòa giảng giải: "Thuận pháo, hiểu nôm na là 4 con pháo của hai bên đứng cùng một phía của bàn cờ. Tôi đánh thuận pháo, cũng giống như người ta đá banh, sẵn sàng thủ hoặc tiến đôi công với đối thủ". Ông tâm đắc: "Trận thuận pháo, tôi sử dụng thoáng cờ, hoạt động được 2 xe, 2 pháo mạnh mẽ trong khi 2 ngựa tấn công không hiệu quả, đôi khi tôi để ở nhà".

Một thế trận, một đời người
Năm 1974, thế trận thuận pháo lừng danh bắt đầu đăng đàn. Trước giải, ông Hòa đã ngẫu hứng tuyên bố "tôi sẽ dùng thuận pháo để chiến đấu" nhưng các đối thủ dù biết vẫn không thể đối phó nổi. Và "pháo" đã giật đùng đùng! Ông Hòa oanh liệt hạ gục hết đối thủ này đến đối thủ khác để vô chung kết với cao thủ tiền bối Thanh Mai Phạm Nam Đài. Thuận pháo lại giành chiến thắng vang dội. Phạm Tấn Hòa chính thức đăng quang ngôi vị "Thuận pháo vương", qua đó ít nhiều làm lu mờ danh hiệu "Phi pháo vương" của danh thủ Trần Đình Thủy, một phần cũng vì trận "phi pháo" đã không còn bén nhọn, bị đối phương bắt bài nhiều.

Hai năm sau, trước một giải đấu khác, ông Hòa lại tự tin tuyên bố là mình vẫn dùng thuận pháo để chiến đấu. Dù theo ông, lúc đó các cao thủ người Hoa ở Q.5 đã có nhiều tài liệu nghiên cứu để phá thế trận này. Thực tế khi vô giải, đôi lúc thuận pháo đã không còn chiếm nhiều thượng phong ở khai cuộc và trung cuộc. Đến lúc này, bản lĩnh Phạm Tấn Hòa lại một lần nữa thể hiện ở chữ "nhẫn". Trận chung kết, mặc dù cờ về tới tàn cuộc với ưu thế thuộc về đối phương, pháo - ngựa - 3 chốt đối lại với bên Hòa chỉ có pháo - ngựa - 1 chốt nhưng ông Hòa vẫn thắng nhờ "mình chơi cờ tàn bén, yếu quân nhưng tiến công ráo riết nên giành thắng lợi".

Cờ là nghệ thuật - không phải nghiệp mưu sinh
Phạm Tấn Hòa sinh năm 1940 tại Sài Gòn trong một gia đình có truyền thống yêu nước và yêu
cờ. Ngôi nhà ông ở hiện nay ở đường Cô Bắc, Q.1, đã từng là nơi chứa vũ khí và nuôi dưỡng lực lượng cách mạng. Cha ông là Tư Ngọc, cao thủ cờ hạng tiền bối; chú ông là Năm Sáng cũng là bậc "thượng tướng" trong làng cờ; anh ruột ông là Phạm Tấn Nghĩa có biệt tài chơi cờ mù rất giỏi. Có lẽ do truyền thống vậy mà Phạm Tấn Hòa cũng như nhiều đồng môn danh vọng viên mãn hiện nay - không chú trọng cờ là nghiệp mưu sinh: "Tôi hay anh Tú, anh Vị đều có chung nguyên tắc lấy cờ làm nghệ thuật. Không lấy đó làm nghề kiếm sống".

Phải biết rằng, hoàn cảnh ông Hòa trước đây cũng giống với nhiều kỳ thủ đã trót vận vô "nghiệp cờ", đó là không có điều kiện học hành, thiếu bằng cấp bài bản. Nhưng lối thoát của ông lại hoàn toàn khác: "Nhà tôi trước rất khó khăn. Chơi cờ đã tập cho tôi tính kiên nhẫn, cũng vì đó nó giúp cho tôi tự học văn hóa rất nhiều". Trước năm 1960, Sài Gòn không có nhiều nhà máy, xí nghiệp, để xin được việc làm lúc đó là rất khó. Ông nhớ lại: "Hồi đó, kể cả người bằng cấp đàng hoàng, để kiếm việc làm cũng khó. Có kiếm được việc, mất trước 3 tháng lương tiền "cò" cho người giới thiệu là cũng mừng muốn chết rồi".

Nhờ người quen từ cờ, ông Hòa chẳng bằng cấp gì hết nhưng lại xin được vô làm một hãng dược phẩm của Pháp, cũng chẳng mất trước tháng lương nào. Ông kể: "Trước đó, tôi phải đi coi tiệm bán nón nỉ cho một chủ ở đường Nguyễn An Ninh, coi từ 7 giờ sáng đến 5 rưỡi chiều, không có thời gian đi học". Tự trang bị cho mình kiến thức, ông Hòa đăng ký học hàm thụ, họ gửi bài vở đến cho ông qua đường bưu điện, ông vừa làm vừa học ở nhà. Rồi ông học thêm tiếng Pháp... "Tôi đến phỏng vấn xin việc với người phiên dịch. Ông chủ Pháp nói, tôi không quen nên nghe không được. Nhưng tôi nói, ổng nghe được. Tôi hứa với ổng, nếu được nhận vô làm, tôi sẽ rèn luyện tiếng Pháp hơn". Vậy là ông Hòa đậu.

Con ông Hòa giờ thành đạt lắm, 5 người thì ai nấy đều có bằng cử nhân, ông còn có đến 7 đứa cháu nội, ngoại. Giờ nghĩ chuyện xưa, ông thấy tự hào: "Nhớ lại quá khứ sao thấy khó khăn quá. Nghĩ lại, tôi vẫn thấy tự hào về hồi đó, cũng nhờ làm việc cho hãng Pháp mà tôi có điều kiện đầu tư cho gia đình, dù tiền bạc không nhiều". Năm 1971, Phạm Tấn Hòa tham dự giải Tuệ Thành lần 2, vô tận trận chung kết gặp kỳ thủ khét tiếng Trần Đình Thủy. Trước giải, ông kêu thợ mộc tới, hỏi họ muốn nâng thêm cái gác gỗ cho căn nhà đang ở thì hết khoảng bao nhiêu tiền? Vợ ông mới càm ràm "ông bày đặt, tiền đâu mà sửa nhà". Ông Hòa cười, nói vợ rằng "tôi linh cảm sẽ có tiền".

Y như rằng, lần đó ông Hòa giật giải nhất, phần thưởng rất cao là một kim bài bằng vàng, khoảng 2 lượng. Số vàng đó, cộng với những lần đấu thắng giải chắt chiu được tiền thưởng, ông Hòa cất được căn gác gỗ. Chuyện đang rất vui, chợt ông Hòa chùng xuống, tiếc nuối cho lớp kỳ thủ đàn em: "Nhiều đứa coi cờ là nghiệp, từ cờ chuyển sang cả cờ bạc. Giờ dòm lại, không thấy anh nào khá cả. Đứa đạt giải nhiều nhất, được thưởng nhiều nhất lại là đứa nghèo nhất, nợ nần nhiều nhất". Nghe mà xót xa...
***
Gần 3 năm nay, "Thuận pháo vương" đã giã từ làng cờ để về vui vầy với con cháu, một phần vì mắt ông cũng đã mờ, không thấy đường vì bị "teo gai thị". Một ngày tháng 12.2008, tới thăm ông ở căn nhà nhỏ, gặp một phong thái đĩnh đạc, nói chuyện rất say sưa về cờ, về đời. Ông Hòa kể, hồi chưa hỏng mắt, thỉnh thoảng ông vẫn bày trận thuận pháo "chiêu đãi" anh em đến giao lưu, học hỏi. Thế trận vẫn vững mạnh như năm nào, dù tuổi ông đã cao...

Sài Gòn “cờ thế giang hồ độ” - Bài 4: "Khô mộc thiền sư"

Dương Thanh Danh thích nhất nước "bình phong mã" - Ảnh: N.L.N

Mang danh "Khô mộc thiền sư", nhưng Dương Thanh Danh đem lại cho người đối diện cảm giác chạnh lòng nhiều hơn là "sợ". Ông nhỏ nhắn, ít nói, năm nay gần 60 tuổi nhưng vẫn chưa vợ con.

Vượt lên số phận, bước qua nghiệp cờ
Hẹn gặp qua điện thoại, nhiều lần nghe giọng nói nhát gừng, nhỏ tiếng của Danh, dễ tưởng ông là người Hoa, không thích báo chí "xoi mói" đời tư. Cũng nghĩ, chắc ông đánh độ, cờ bạc nhiều nên ngại gặp. Chỉ khi biết ý định nghiêm túc của người viết, ông mới chủ động hẹn giờ gặp tại nhà riêng. Ông sống giản dị cùng với đại gia đình mình tại một căn nhà bề thế ở đường An Dương Vương, Q.5. Đúng 5 rưỡi chiều, một người đàn ông nhỏ bé, áo đút vô quần, nhẹ nhàng đẩy xe đạp vô nhà. Ông anh chân khập khiễng ở nhà vui hẳn lên khi giới thiệu: "Danh về rồi kìa!". Đó chính là "Khô mộc thiền sư". Dương Thanh Danh sinh năm 1950 tại Sài Gòn, là người Việt.

Khoảng hơn hai chục năm trước, giới giang hồ cờ độ Sài Gòn bắt đầu chú ý đến một "thằng nhỏ" đánh cờ tuyệt hay, tính toán cực kỳ thông minh, sắc nét. "Thằng nhỏ" còn hay đi chung với thiên tài "lác chảy" Trần Quới nên càng được chú ý nhiều hơn. Nhưng khác với kỳ vương Trần Quới - chuyên đánh độ, cờ bạc, dính vô nhiều điều tiếng - "thằng nhỏ" kia đi xem đánh cờ, chơi cờ chỉ để học hỏi kinh nghiệm. "Thằng nhỏ" đó chính là Dương Thanh Danh. Rồi đường đời rẽ đôi hai ngả: Trần Quới cùng một nhóm bạn cờ khác leo thuyền vượt biên, mất tích từ năm 1988. Dương Thanh Danh thì lặng lẽ với đời, với cờ; kể cả đến khi "nhất sát" Lê Thiên Vị đặt cho tên hiệu "Khô mộc thiền sư" lẫy lừng thiên hạ thì anh vẫn thế...

Dương Thanh Danh kể mình bị bệnh lao phổi, một trong tứ chứng nan y thời đó, không thuốc gì chữa được. Cũng chính căn bệnh này đã cướp đi nhiều tài hoa của của làng cờ TP khi tuổi đời họ còn rất trẻ. Đậu xong tú tài, bệnh phổi nổi lên nặng, ông phải bỏ học ngang. Vừa lo tập luyện, vừa phải mưu sinh bằng những việc nhẹ, chỉ lúc rảnh rỗi Danh mới đến được với cờ. Nhờ tập thái cực quyền với quyết tâm bền bỉ, Danh qua được cơn hiểm nghèo. Và cũng chính nhờ đức tính thật thà, không thích cờ bạc mà Danh thoát khỏi cái bẫy của "nghiệp cờ" luôn giăng ra với các kỳ thủ: Vì đánh độ nhiều, ăn uống thất thường, lao tâm khổ tứ suy nghĩ, nhiều kỳ thủ mắc bệnh lao phổi đã phải chết "nhanh" hơn người thường.

Hỏi thật ông, đến giờ có nợ nần, bài bạc gì không, Danh nhỏ nhẹ: "Mình tiêu xài cũng ít, không nợ nần gì ai". Ông cũng chẳng hút thuốc hay bia rượu. Nói về đánh
cờ độ, thấy ông cũng không hứng thú: "Ngày trước, cũng có thời gian 1 - 2 năm đánh độ nhưng do hoàn cảnh. Đánh để học hỏi, cũng bị nhiều người kêu chơi giùm, họ hùn tiền vô cho mình đánh. Quan trọng là mình không thích cờ bạc. Từ hồi đó đến giờ không đánh độ nữa". Tóm tắt về con người "Khô mộc thiền sư", theo "Thuận pháo vương" Phạm Tấn Hòa là: "Danh có nhân cách đáng kính, biết vượt lên số phận".

Đạp xe đi dạy đánh cờ
"Từ 19, 20 tuổi trở đi, người mình lúc nào cũng chỉ được 36, 37 ký. Đi đánh giải, ngồi lâu chịu không được vì đau đầu. Cũng bị thua nhiều ván vì lý do sức khỏe" - ông Danh tâm sự. Mãi cho đến bây giờ, ông mới mập, rắn chắc hơn. Ông kể: "Mình mới mập lên được 5-6 năm nay, chắc cũng được hơn 45 ký". Cũng nhờ ông bền bỉ tập luyện thái cực quyền, tháng ăn chay 4 ngày.
Bước lại xe đạp, lấy bộ cờ trong túi bỏ trước giỏ xe, "Khô mộc thiền sư" nói vừa mới đạp xe đến trường dạy cờ cho một học sinh. Từ 10 năm nay, Dương Thanh Danh được ăn lương hội cờ. Anh phụ trách đào tạo cho lớp năng khiếu gồm các em học ở Q.5. Nhắc đến học sinh, thấy anh vui lắm: "Các em còn nhỏ, 7-8 tuổi, có năng khiếu. Các em gọi mình bằng thầy".

Hằng tuần, thứ bảy, chủ nhật là "Khô mộc thiền sư" lại đều đặn đạp xe đến các trường học, chỉ dẫn cho các em ở đội cờ năng khiếu Q.5. Có những bữa, các em kẹt học văn hóa không tập trung được, thầy Danh lại đạp xe đến từng trường, dạy từng em một như bữa hôm nay. "Mình gặp các em là vui. Các em phải học chữ nhiều, cũng thông cảm, chỉ dạy tại lớp, không ra bài về nhà". Nói chuyện về các học sinh thông minh hiếu động, chẳng nghe thầy Danh phàn nàn một tiếng, chỉ thấy khen: "Mình dạy các em khai cuộc, sửa cho các em các lỗi căn bản, hay gặp. Mong các em tiến bộ, sau này thi đấu giành giải".

"Khô mộc thiền sư" kể: "Hôm 20.11 rồi, phụ huynh có tặng mình thiệp chúc, bao thơ". Hỏi bao thơ có bao nhiêu tiền, ông nói: "Bao thơ một trăm ngàn". Những đợt lễ tết, phụ huynh và học sinh cũng tới nhà thăm thầy Danh, cho quà. Người thì nửa ký lạp xưởng, người thì hộp nước ngọt hay thùng bánh...

Dương Thanh Danh tâm sự: "Đời mình cuối rồi, không có niềm vui gì hơn dạy các em học. Ngoài dạy ra thì chỉ ở nhà xem tivi, đọc báo, thỉnh thoảng có hội mới đi xem đánh cờ cho khỏi quên". Hỏi ông còn muốn lập gia đình không, "Khô mộc thiền sư" không nói...
*
Chia tay thầy Danh để ông nghỉ ngơi cuối ngày, trời bên ngoài đã tối, lắc rắc mưa. Một người vì bệnh, phải bỏ học ngang, chưa được đào tạo kỹ năng sư phạm nhưng giờ được người đời tôn trọng gọi bằng "thầy". Một kỳ thủ danh tiếng lừng lẫy nhưng cuối đời sống giản dị, trong sạch, "chỉ mình ta với cờ", với các em học sinh. Chia tay, tự dưng thấy mắt mình ướt, không phải vì những giọt mưa.

Sài Gòn “cờ thế giang hồ độ” - Bài 5: "Trần Đình giáo chủ"

Đời đánh cờ, Trần Đình Thủy thích nhất
gặp Phạm Thanh Mai - Ảnh: N.L.N

Ở làng cờ TP, có hai chuyện mà chỉ mình Trần Đình Thủy làm được; đó là hạ gục kỳ vương Lê Huệ Đông và được phong cấp Quốc tế đại sư ở tuổi trên 60. Giang hồ làng cờ bái phục gọi ông là "Trần Đình giáo chủ".

Thời oanh liệt còn đâu
Trần Đình Thủy là người Hoa gốc Triều Châu, sinh năm 1940. Mới đây, anh em chơi cờ còn "nghe nói ổng mới đi đánh giải mà". Khi đó Trần Đình Thủy đã gần 70 tuổi! Nhưng những người quan tâm đến ông nhiều hơn thì biết "ổng mới bị bệnh, không biết nặng nhẹ thế nào". Một ngày cuối tháng 12.2008, mày mò tìm tới địa chỉ được hội cờ chỉ cho, chúng tôi loay hoay mãi mà không tìm được nhà "anh Thủy đánh cờ". Hóa ra, nhà "Trần Đình giáo chủ" ở đường Xóm Chiếu, Q.4 đã được thay số mới. Vợ "giáo chủ" đon đả rước vô nhà. Bà nói: "Ổng ở đây hồi nào đến giờ".

"Giáo chủ" đang ngồi ăn cơm sáng. Một bàn cơm lớn, nhiều đồ ăn. Thân hình "giáo chủ" vững chãi như cái đình, chỉ thấy gương mặt hơi mệt mỏi. Nhìn qua, không ai biết ông đang mắc bệnh. Bà Nguyễn Thị Dung, vợ ông buồn bã: "Cách đây hai tháng, ổng ngồi ngoài sân, chỉ cờ cho mấy đứa cháu. Một hồi thấy ổng kêu nhức đầu, đỡ vô nhà ngồi thì không biết gì nữa". Ông Thủy đã bị tai biến. "Nhờ chữa trị kịp thời, giờ ổng mới được như thế này". Bây giờ "giáo chủ" bị liệt nhẹ một bên, cử động rất khó, đi lại hay ngồi ở đâu vợ con cũng phải theo sau trông chừng. Mặc cho bà Dung vui hơn khi nói về sự nghiệp của ông nhưng "giáo chủ" liên tục lắc đầu, "không biết, đau đầu, không nói được". Người con trai nói: "Sư phụ (ông Thủy - PV) giờ thua rồi!".

Năm 1973, kỳ vương Lê Huệ Đông nổi tiếng Hồng Kông được mời sang Sài Gòn thi đấu và đã thắng như chẻ tre. Gặp tới Trần Đình Thủy, một "thượng tướng" trong làng cờ lúc bấy giờ, ai cũng nghĩ giỏi lắm là hai bên hòa. Vậy mà "Trần Đình giáo chủ" đã hạ đo ván kỳ vương bằng 2 ván thua trắng! Ở ngay ván đầu, Trần Đình Thủy đi tiên, chỉ sau 22 nước đã đánh cho kỳ vương tan tác thế trận, đến mức các tờ báo Hoa ngữ đã phải thán phục giật tít: Trần Đình Thủy quá quan trảm tướng. Kỳ vương Hồng Kông bỏ giáp chạy dài!". Dân làng cờ Sài Gòn vô cùng hoan hỉ. Bà Dung hồ hởi: "Chỉ mình ổng đánh thắng được vua cờ Lê Huệ Đông!”.


Bà Dung lau giữ những kỷ vật của chồng - Ảnh: N.L.N

"Ngũ ca" nhóm Thất Đang Quách Anh Tú, một trong những kỳ thủ hiếm hoi thắng được Trần Đình Thủy khen ngợi: "Ông Thủy là người cao tuổi nhất làng cờ còn đánh giải đến giờ". Ông kể: năm 1965, tay cờ trẻ Trần Đình Thủy được "thượng tướng" Sáu Mẹo chấp một nước tiên nhưng không thắng được. Kể cả khi Sáu Mẹo không dám chấp nữa, đánh phân tiên vẫn thua Thủy dài dài, mất rất nhiều tiền độ. Chuyện này lập tức lan ra giang hồ nhanh hơn cánh chim đại bàng và Trần Đình Thủy được phong ngay lên bậc "thượng tướng". Thời đó, ông Tú có đánh với Trần Đình Thủy, dù thắng nhưng cũng phải khiếp đảm vì Thủy tấn công xuất thần. Các bậc trưởng thượng hồi đó như Ba Hiệp, Năm Sáng, Phạm Thanh Mai… chứng kiến ván đấu của "hai con cọp dữ" cũng hết lời ca ngợi. Sau lần đó, "ngũ ca" mới lấy được danh hiệu "thượng tướng" trong làng cờ độ.

Đeo đuổi "nghiệp cờ", cuối đời về với vợ...
Bà Dung kể: "Trước khi lấy tôi, lúc 23 tuổi, ổng đã đánh cờ. Có giải là đi miết, chẳng mấy khi ở nhà". Dù vậy nhưng vợ chồng "giáo chủ" cũng kịp có tới 10 mặt con, cháu nội - ngoại giờ cũng trên chục đứa, nói như bà Dung thì "mùâng một Tết về thăm đầy nhà". Bà kể: "Tính ổng hồi nào đến giờ có cờ là đi, chẳng điện báo gì cho vợ con hay". Và bà Dung thì "biết tính ổng vậy, cũng chẳng khi nào tôi đi kiếm". Có lần, "giáo chủ" xuất ngoại đi đánh giải, đi từ buổi trưa mà mãi mấy ngày sau, nghe hội cờ báo bà Dung mới biết ổng đi Trung Quốc, khoảng hai ba chục ngày mới về. Bà kể, đời "giáo chủ" đi xa nhiều lắm, từ Vũng Tàu - Bà Rịa (nơi ông đầu quân đánh giải) tới Trung Quốc, Macau, Indonesia, Singapore…

Trong nhà Trần Đình Thủy giờ còn lưu giữ rất nhiều cúp, huy chương ghi dấu những chiến tích vang dội. Hỏi bà Dung "ông có mang tiền thưởng về cho vợ con làm này làm nọ không", bà bảo: "Tính ổng đi xa không bao giờ mua quà cáp. Có thắng thì ổng cho ít tiền, còn lại ổng giữ riêng ăn xài chơi. Chuyện gia đình tôi lo hết". Bà Dung chỉ nhớ có một lần ông Thủy thắng giải, hai vợ chồng mới lấy tiền mang vô bệnh viện làm từ thiện". Còn lại thì "bạn bè ổng đến cũng nhiều lắm, ở chật nhà, đến để dợt cờ, rồi rủ nhau đi tỉnh đánh độ". Bà khoe: "Trần Quới cũng là đệ tử ổng!".

Có lần bà Dung nhớ thế này: Sau giải phóng, có "ông tướng làm lớn lắm", ngoài Bắc tìm đến nhà. Thấy ông Thủy lập tức họ "bắt cóc" lên xe hơi chở đi đâu không biết. Chỉ một ngày một đêm sau, khi "giáo chủ" về được đến nhà, bà mới rõ chuyện. Hóa ra ông cán bộ nào đó vì quá hâm mộ ông Thủy nên cho xe đến nhà, rước đến biệt thự riêng ở đường Nguyễn Thông để đàm đạo, dợt cờ thâu đêm suốt sáng. Lần đó, vợ con "giáo chủ" sợ hết hồn. Tôi nhờ bà Dung phiên dịch hỏi ông Thủy: "Anh ơi, đời cờ anh thích nhất đánh với ai?". Chẳng biết sao mà lúc đó ông Thủy nói được thành tiếng rõ, nói rất nhanh: "Phạm Thanh Mai!". Ông Phạm Thanh Mai là một bậc "thượng tướng" làng cờ, xét ra thì Trần Đình Thủy là hàng hậu bối.

"Lão ngũ" Quách Anh Tú kể, hồi xưa ông Thủy bán thịt heo ở Q.4, ổng là người rất thích cờ và đánh độ. Đi đâu, ổng cũng có các ông chủ đi theo để "ra tiền" cho đánh độ lớn. Cũng chính vì có nhiều tiền, "giáo chủ" mới dễ "cáp độ" được với nhiều cao thủ, qua đó trình độ cờ được lên cao. Lần ông Tú thắng ông Thủy ở sòng cờ trên đường Công Lý, thực ra là tình cờ. Bởi trước đó, ông Thủy chở ông chủ mình tới đây để tìm người "cáp độ" là Sáu Mẹo. Không có Sáu Mẹo, chủ ông Thủy mới kêu tìm tay khác, đánh cho ổng xem. Quách Anh Tú được giới thiệu, hai người đánh phân tiên và ông Thủy thua. Giờ nhớ lại, thấy ông Tú vẫn vui: "Sau giải phóng, tôi về Sài Gòn, gặp lại ổng rủ: Ông thầy ăn em 2 bàn, giờ cho em gỡ lại, lấy danh dự. Tôi hồi đó không có tiền, nói đánh chơi mấy chục thì được. Ông Thủy không chịu, đòi đánh lớn. Tôi không theo…".

Sài Gòn “cờ thế giang hồ độ” - Bài 6: “Ngũ ca Thất Đang”

Ông Tú “nhớ đời” nước chuyển mã nhập cung ma quái của kỳ vương Đặng Đình Yến - Ảnh: N.L.N
Từ lúc hẹn gặp, cho đến khi cảm nhận được phần nào về ông, tôi mới hiểu tại sao giang hồ lại nói Quách Anh Tú là một tài tử - coi cờ tướng là tinh hoa trong tứ tuyệt “cầm, kỳ, thi, họa” chứ không phải nghiệp mưu sinh.

Trong nhóm cờ Thất Đang xưa, vai vế ông Tú đứng hàng thứ năm, dân cờ hay gọi ông là “ngũ ca” hoặc “lão ngũ”.

“Ngũ ca” ra trận
Trước lúc gặp, tôi đã được “Thuận pháo vương” Phạm Tấn Hòa “phi lộ” đại loại rằng ông Tú “đã nghỉ làm” dù cho là người đóng góp công sức thuộc hàng nhiều nhất cho làng cờ. Tôi không quan tâm đến lý do. Chỉ thấy phấn khích hơn khi sẽ gặp một nhân cách mà theo ông Hòa là “ổng đàng hoàng, thấy cái gì lem nhem là nói”.

Quách Anh Tú đã 69 tuổi, hưu được cả chục năm. Thế mà khi nói về những ván đánh để đời, thấy ông Tú nhớ và hăng máu lắm: “Đây là ván tôi đấu với Trần Ngọc Lâu, lúc đó hai đứa đánh sắc và tươi lắm!”. Ông Tú vừa bày cờ vừa giảng: “Lâu đi tiên, vô pháo đầu. Tôi cũng vô pháo đầu, đánh thuận pháo”. Tiếp theo, ông Tú dâng quân xe bên Lâu một nước rồi bình: “Nó hoành xe ngay, nước rất hỗn, nó khiêu khích tôi đấy. Tôi kệ, cứ dâng mã giữ tốt đầu, đúng phép ra quân”. Rồi ông Tú cứ điềm đạm dâng sĩ, dâng tượng lên cho “ấm”, tạo thế trận phòng thủ. Cùng lúc đó, tại Hội quán Tinh Võ ở Q.5, ván đấu giữa kỳ vương Lý Chí Hải và Tất Kiên Dương cũng đang khai quân. Ông Tú liếc qua, thấy bàn bên cũng khai cuộc giống y chang với ván ông đang đánh! Nước tiếp theo, chợt thấy Tất Kiên Dương dâng xe tuần hà – phép ra quân rất bài bản. Chẳng biết thế nào, cũng vị trí đó từ điểm xuất phát, “ngũ ca” lại đem xe... kỵ hà. Hội quán “ồ” lên!

Ông Tú giảng: “Nếu theo sách vở, nước của tôi sai bét. Nhưng thực ra tôi có tính riêng”... Rồi đến một nước “không theo sách vở” nhưng “rất giang hồ” khác, ông Tú đánh pháo vọt tốt giữa. Hội quán lại “ồ” lên. Trần Ngọc Lâu với bản lĩnh giang hồ đầy mình nên ngỡ “nước giang hồ” này Tú không thạo, bị đánh hố. Lâu chộp quân đi liền – điều tối kỵ khi thi đấu đỉnh cao. Và “cọp dữ” Quách Anh Tú lập tức ra đòn. “Bắn chậm thì chết!”. Thế là song pháo của “ngũ ca” cứ bắn trước ầm ầm, phá toang thế trận bên địch. Nước 26, Tú thọc xe xuống đáy, chưa bị chiếu bí nhưng Lâu đã buông cờ xin thua.

Tài tử - quân tử
Những nước cờ nói trên phần nào nói được tính tài tử của ông Tú mỗi khi “hành hiệp” hay cư xử đường đời. Ông Tú kể, trước đó “tôi đã thấy Lâu đánh nhiều ở sòng cờ Gia Long, Lâu đánh rất dữ, tôi nhìn qua cũng hết hồn, nhưng mình đàn anh đi trước, sao sợ được”. Nên lần gặp ở Hội quán, thâm tâm Tú rất muốn “ăn” Lâu. Bây giờ thì hai ông già “hòa bình” rồi. Ông Tú kể: “Ổng vẫn sống ở dưới Cần Thơ, thỉnh thoảng lên tôi chơi, tôi phải đãi cơm, cho sách cờ mang về, quý lắm”.

Nghe chuyện giữa ông Tú và ông Đặng Đình Yến - một trong “Bắc kỳ tứ kiệt” di cư vô Nam sống cũng vui và cảm động. Tú hồi đó chỉ là hậu bối, xem ông Yến còn hơn cả thần tượng: “Ổng đi đâu cũng xách theo cây ba-toong, xem đánh cờ, ổng lấy cây ba – toong chọc chọc, chỉ nước cho bạn, tôi thấy toát lên một ma lực khủng khiếp”. Có lần, ông Tú xem “thượng tướng” Yến đánh người mà còn “hết hồn” đến giờ: “Cờ tàn, ổng chỉ còn xe – mã trong khi bên kia còn xe – bền sĩ tượng, ai cũng nghĩ giỏi lắm là hòa. Ấy vậy mà ổng quần cho một hồi, bên kia phải thua”. Ông Tú “nhớ đời” nước đánh ma quái của kỳ vương Yến: để đảo thế trận, ông Yến đem xe cánh trái thọc đáy chiếu tướng, tướng phải dâng lên, ông Yến thả mã phải... nhập cung, ngay dưới đít tướng đỏ, rồi từ đó mã lộn sang cánh trái tăng cường tấn công.

Năm 1966, kỳ vương Yến tìm tới khiêu khích, đòi đánh Lý Anh Mô, sư phụ Tú. Ông Mô kẹt chuyện, mọi người cáp cho Tú đánh với ông Yến. Khi đó, Tú đã lên tay lắm, ông Yến cũng không muốn đối đầu nhưng bởi mọi người nói vun vô, không thể từ chối. Hai bên cá cược số tiền nhỏ, 100 đồng/1ván. Ván đầu, ông Yến đi tiên nhưng không tấn công nên cờ hòa. Ván thứ hai, Tú đi tiên, tấn công dũng mãnh, ông Yến thua nhanh vội móc tiền trả. Tú chỉ cười: “Ông cất tiền đi, mình chơi cho vui thôi”, bởi thâm tâm Tú nể trọng ông Yến lắm. Xưa ổng danh trấn giang hồ cả nước, giờ già rồi, “lấy số” ổng Tú không lấy làm ham.

Tôi bỗng giật mình khi nghe ông Tú đúc rút: “Nghiệp cờ coi vậy không tình nghĩa bằng nghiệp võ đâu”. Ông bảo: “Ra giang hồ, tụi nó sống như bầy sói. Khi mình mạnh thì chúng gờm. Mình yếu rồi là quay lại rủ đánh độ, vặt ngay”. Ông kể ra vài trường hợp, khi trò mạnh hơn đã quay lại rủ cả thầy đánh độ,“vặt” luôn cả thầy. Với ông Tú, chuyện đó không bao giờ xảy ra.

Ước muốn chưa thành
Khoảng năm 1956, Quách Anh Tú lần đầu ra giang hồ đã dám chấp 1 xe, đánh cho một ông già khoác lác “đái ra quần”. Đó là lần ở sòng cờ dưới dốc Cầu Mới vùng Bà Chiểu. Ông già nói mình đã cầm cự được với giáo Bố hay kỳ vương Hứa Văn Hải khi hai người này chấp ông một mã. Hùng tâm nổi lên, Quách Anh Tú khảng khái chấp hẳn ông già 1 quân xe! Thế rồi chuyện không ai ngờ xảy ra: Tú tuổi trẻ tài cao, tấn công ào ạt với những nước xuất quỷ nhập thần, ông già nọ tối tăm mặt mày không biết đâu mà chống. Hai ván thua trắng lẹ làng, ông già chung độ rồi lầm lũi bỏ đi, mọi người nhìn lại thấy chỗ ổng ngồi còn có vũng nước... màu vàng. Tú ân hận lắm, bẽn lẽn chào giang hồ rồi biến. Sau lần đó, Quách Anh Tú mới được Lý Anh Mô để mắt, bắt đầu dìu dắt vô làng cờ.

Sau tổng công kích Mậu Thân 1968, người thanh niên cao cờ đó bỗng tuyệt tích. Giang hồ đồn anh đã chết. Sự thật không phải. Quách Anh Tú bỏ cờ, theo cách mạng. Giải phóng thành công, chàng trai yêu cờ người Sài Gòn lại là một trong những thành viên đầu tiên tiếp quản Mỹ Tho. Tại đây, Sáu Mẹo - tay cờ đã được Tú dợt cho lên tay để thọ đài với Trần Đình Thủy - đã là người đầu tiên tìm lên thăm Tú. Cũng bởi Sáu Mẹo “cảm” tâm đức Tú lần trước, đã chỉ cho ông những non kém trước Trần Đình Thủy.

Càng bất ngờ hơn, cũng tại Mỹ Tho, khi là người Việt nhưng ông Tú lại được hội cờ người Hoa dưới Chợ Lớn “tự ý” bầu làm Tổng thư ký hội cờ của họ. Một phần, họ rất nể phục tài năng ông Tú. Phần khác, chỉ có uy tín và sự khảng khái của ông Tú mới giúp họ lấy được lại uy thế cho Hội cờ người Hoa ở đất Sài Gòn – Chợ Lớn. Nói chuyện đến đây, chợt thấy Quách Anh Tú trùng xuống: “Nói vậy chứ về cờ giờ mình thua người Hoa xa quá...”.

Đó là một câu chuyện dài về công tác bồi dưỡng, đào tạo nhân tài mà đến cuối đời, ông Tú coi như là “ước muốn không thể thành được”. Ông tâm sự: “Mình thiếu một đội ngũ nghiên cứu lý luận. Anh em thì giỏi đấy nhưng đánh giang hồ quen, đánh theo quán tính. Gặp người giỏi ở nước ngoài, không ăn được”. Ông kể ra vài kỳ thủ dưới Cần Thơ, An Giang... đánh giang hồ rất giỏi nhưng thi đấu quốc tế lại không được như mong muốn: “Tụi nó ngoài đánh cờ, còn phải chạy xe ôm, kiếm cơm qua ngày. Điều kiện đâu mà nghiên cứu, lý luận”. Ông Tú yêu cờ tướng nhưng lại coi “bên cờ vua, thấy người ta đàng hoàng hơn”. Ông cũng chính là người đầu tiên mua sách cờ vua bên Pháp về, tự bỏ tiền ra dịch thành sách, phổ biến, giảng dạy cho anh em cờ vua. Nhờ đó mà anh em bên đó bài bản hơn, từ nghiệp cờ cho đến nhân cách.

Sài Gòn “cờ thế giang hồ độ” - Bài cuối: Quỷ kế sòng cờ

Ông Lê Nhị Trí kể về một nước cờ để đời của Trần Quới - Ảnh: N.L.N

Từ “cờ úp”, cờ thế...
Khoảng hai chục năm trở lại đây thì “cờ úp” bắt đầu được biết đến nhiều trong giới giang hồ cờ độ. Ban đầu, nó là một môn thể thao xuất phát từ Hồng Kông, kỳ thủ nổi tiếng nhất là ông Triệu Nhữ Huyền.

“Nhất sát” Lê Thiên Vị nói: “Cờ úp” hiểu nôm na là các quân cờ bị lật úp xuống, trừ hai quân tướng được ngửa mặt lên, xếp đúng vị trí”. Còn lại, các quân khác bị úp mặt và được xếp ngẫu nhiên vô các vị trí như bình thường. Chẳng hạn, tại vị trí quân xe, lúc úp xuống, nước đi đầu tiên, nó sẽ được đi theo cách của quân xe. Đi xong nước đó, người chơi mới được ngửa mặt quân này lên. Lúc đó, nó sẽ được “hóa kiếp”: Có thể là con tốt, hoặc con mã, thậm chí là con sĩ; hoặc có thể là đúng quân xe, từ đó trở đi, quân cờ này sẽ đi theo cách thông thường của nó. Bởi vậy, thế trận “cờ úp” sẽ biến hóa khôn lường và... buồn cười. Chẳng hạn, đôi khi sĩ - tượng là “cận vệ” của tướng, theo luật thì chỉ ở nhà giữ cung, thì nay bỗng nhảy vọt qua hà, xông pha chiến trận ầm ầm...

Sang đến Sài Gòn, “cờ úp” được dân cờ độ gọi là “cờ tối”, khác với “cờ sáng” là ngửa mặt quân như thông thường. “Cờ úp” được đem ra giang hồ làm kèo đánh độ, “khách” là những người cờ thấp, chơi “cờ úp” hy vọng vận may nhiều hơn là tính toán. “Nhị sát” Lê Nhị Trí nói: “Người thấp cờ, nếu nước đầu bắt trúng con xe cũng đã có khả năng thắng độ đến 60 - 70%”. Để chắc thắng, giang hồ thường đánh dấu rất kín dưới đáy quân cờ, một vết dao rạch nhỏ hay một vết bút bi. Lúc lâm trận, cứ tìm quân cờ có vết đó mà lật lên trước, thường là quân xe, “hỏa lực” mạnh, dễ tàn phá thế trận từ khai cuộc. Một thời gian sau, mánh này đã lộ ra ít nhiều, khách dày dạn kinh nghiệm có cách đối phó là tìm cách “úp” lên các quân cờ úp một lần nữa, chẳng hạn là cái nắp chai, hay hộp đựng hột xoàn.

Ngoài “cờ úp”, cờ thế cũng hay được đặt tại nhiều bến xe, rạp hát để dụ khách chơi. Cách này đúng là “cờ gian” bởi chỉ sơ sẩy một chút, “gà” sẽ bị đánh tráo quân hoặc bị đặt quân cờ sai so với vị trí ban đầu của thế cờ. Điển hình là thế “Thất tinh tụ hội”. Thế này, mỗi bên còn 7 quân, nhưng quyết định việc thắng hay thua phụ thuộc vô con chốt đỏ ở biên. Con chốt này thường bị đặt ở vị trí... lấp lửng, nhìn qua không ai để ý. Khi “gà” chọn xong bên sẽ đặt cược, dân giang hồ sẽ áp tay lên con tốt này, đẩy lên hoặc lùi xuống một nước để chọn phần thắng về mình.

Đến cạm bẫy “morse” (tín hiệu)
Đây là đòn đánh sát thủ của dân giang hồ. Nó có thể hạ gục một tay đánh độ lão luyện nhưng
tham tiền, thậm chí đả bại một kỳ vương nếu không cảnh giác chứ chẳng kể “gà”. Đơn giản nhất là “morse” bằng tay. Người chơi sẽ được cao thủ ngồi bên nhắc nước đi bằng cách ra dấu tay. Rồi đến “morse” bằng điếu thuốc lá. Cao thủ hơn thì “morse” bằng... lời hát, bằng những con số. Qua những tín hiệu này, người được “morse” cứ việc đi cờ theo mà “thịt” đối phương.

Theo “nhị sát” Lê Nhị Trí thì trước đây, bị “morse” nhiều nhất là ông T. chủ một tiệm thuốc Tây rất giàu có. Ông này cực kỳ mê cờ. Đánh độ, mới đầu chỉ là một ly nước, đến một vài phân vàng, vài chỉ vàng; đến khi độ lớn đến hàng lượng, hàng chục lượng, ông T. bị thua hoài mà vẫn mê. Có một dạo, ông T. chuyển sang đánh độ với ông L. bán phở. Ông L. sức cờ yếu, phải kêu cao thủ đến “morse”. Và không chỉ một người, ông L. kêu đến 3 người, cứ thế 4 tay vờn cho ông chủ T. thua lên bờ xuống ruộng. Thua nhiều cay cú, ông T. cũng nhờ đến cao thủ “chỉ giáo”. Để tránh “morse”, gặp nhau một điểm, ông T. lại lôi ông L. ra một điểm khác để bày bàn cờ đánh.


Một ván “cờ úp” giữa Lê Nhị Trí và Lê Thiên Vị

Ấy vậy cũng không thoát. Bên cạnh bàn cờ, thường xuyên xuất hiện những vị khách không mời. Khi thì ông đạp xích lô. Lúc lại là mấy tay bán hàng rong hiếu kỳ... Thực ra đó là những cao thủ “morse” của ông L.

Xưa bên Q.8 có ông T.C mê đánh cờ độ, dù sức cờ yếu nhưng sắp xếp đánh “morse” thì thuộc hàng mưu trí bậc thầy. Lần đó, có ông U.G qua chơi, đòi đánh độ. Ông này cờ cao hơn lại rất giàu có nên T.C đành phải nhờ tới Hứa Kim Thành, biệt danh “đại ma đầu”, kỳ thủ khét tiếng cao thâm. Để “morse” được, T.C phải ngồi áp lưng vô một tấm vách đã được khoét thủng lỗ. Từ đó, “đại ma đầu” mới nhìn xuyên qua, rồi “morse” bằng cách... lấy cọng chổi chọt chọt vô lưng T.C. T.C mới thắng như chẻ tre. Chuyện chỉ bị phát hiện ra khi một lần U.G tình cờ mò vô nhà trong tìm chỗ đi tiểu. Mới thấy tấm lưng thù lù của “đại ma đầu” ngồi sau tấm vách...

Những trận đánh kinh thiên động địa
Khoảng năm 1980, “song kiếm hợp bích” Lê Nhị Trí - Trần Quới ra giang hồ và được Thập Tam tìm đến. Lúc này, có cao thủ Hồng “quán trọ” mới ngoài Bắc vô đòi cáp độ với Thập Tam để đánh lớn. Thập Tam sức cờ yếu, thua Hồng “quán trọ” khoảng một nước rưỡi, bèn nhờ “nhị sát”. Cuộc đấu được diễn ra ở một căn nhà yên tĩnh. Ông Trí nhớ lại: “Hồng “quán trọ” cực kỳ khôn ngoan, đánh cờ chỉ cho hai người vô phòng. Trước lúc đánh ổng cũng đi một vòng kiểm tra trần nhà, bức vách xem có bị hở khe nào không”. Phải đợi cho hai bên đang say máu thì “nhị sát” mới lẻn vô phòng sát bên. Trần Quới phải khẽ khàng trèo lên cao, nhìn qua bức vách để xem thế trận. Ở bên dưới, ông Trí mới luồn qua đáy bức vách một sợi dây. Chờ lúc Hồng “quán trọ” mất cảnh giác, Thập Tam ngoắc đầu sợi dây vô ngón chân cái. Thế là Trần Quới ở trên cao “morse” xuống cho ông Trí, ông Trí lại giật dây “morse” sang cho Thập Tam. Trận đó thắng lớn, sau này Hồng “quán trọ” mới biết chuyện. “Đi dạo gặp nhau, ổng chỉ mặt tụi tôi là ba con vịt khôn nhất Sài Gòn!”, “Nhị ca” nhớ lại.

Cũng phải nhắc lại rằng vào những thập niên 70 - 80, vùng Sài Gòn - Chợ Lớn có nhiều ông chủ Việt, nhiều “xì thẩu” người Hoa giàu có và rất mê cờ tướng, thích chơi độ lớn. Đây có thể coi là “nguồn thu” chủ yếu của giang hồ cờ độ. Chưa kể nhiều đại phú miệt đồng bằng sông Cửu Long cũng xách tiền xuống Sài Gòn, tìm gặp đánh độ với các “kỳ vương”. Tất nhiên là họ thua nhiều nhưng ông Trí lý giải: “Mấy ổng vẫn thích gặp tụi tôi, có người coi đánh độ là học hỏi, có người lại coi được đánh với Trần Quới là vinh dự, cũng có người mê quá, thua rồi ghiền, đòi đánh hoài”.

Kể ra thì có ông T.Th. Lúc đầu, ổng được Trần Quới chấp... cặp mã, rồi chấp hẳn pháo - mã, ổng vẫn thua, Trần Quới phải chấp lên 1 xe, vẫn thua, Trần Quới phải chấp thêm 1 xe đánh phân tiên, ổng cũng thua tiếp. Ấy vậy mà chỉ thích đánh với Trần Quới. Đến mức, Trần Quới phải chấp thế này: Nếu đánh hòa, ông T.Th sẽ được thắng. Nếu ông T.Th thắng bằng chiếu bí, Trần Quới thua hết, ngoài ra phải mất thêm 20% số tiền cược coi như “thưởng ông T.Th đánh giỏi”.

Một lần, “nhị ác” ngồi ở hội cờ Q.5, nhác thấy bóng ông T.Th đậu xích lô ngoài đường, ông Trí nói: “Lác chảy (biệt danh Trần Quới) chuẩn bị nha”. Y như rằng, T.Th xộc vô hối: “Lác chảy hôm nay dám “cự” không?”. Hôm đó “thiên tài” mệt mỏi, với lại cũng không có nhiều tiền nên nói “không”. “Suốt cả buổi sáng, thấy ổng cứ đi ra đi vô xem cờ nhưng vẫn rủ thằng Quới miết” - ông Trí kể: “Tới buổi trưa, thấy ổng ngoắc xích lô, chắc là đi ăn, tụi tôi mới gọi lại kêu ổng ăn xong rồi đánh. Tính giờ đó, người già không minh mẫn, ăn xong sẽ buồn ngủ”. Chẳng dè, ông T.Th tỉnh queo, hối sắp bàn cờ đánh luôn. Anh em ông Nhị mới hùn tiền vô, “đậu” ra cho ổng coi trước rồi mới được đánh. Rồi ông T.Th lại thua tiếp...
  Forum: Diễn Đàn Việt Nam · Post Preview: #10352 · Replies: 1 · Views: 13,003

cchessfan
Posted on: Dec 1 2008, 06:10 AM


Advanced Member
***

Group: Members
Posts: 84
Joined: 29-March 06
Member No.: 2,591


Xin cám ơn anh International,

Mong nhận được nhiều bài viết của anh nữa.

Thân!!!!
  Forum: Diễn Đàn Việt Nam · Post Preview: #10284 · Replies: 9 · Views: 22,343

cchessfan
Posted on: Oct 24 2008, 05:47 AM


Advanced Member
***

Group: Members
Posts: 84
Joined: 29-March 06
Member No.: 2,591


QUOTE(Thao Nguyen @ Oct 24 2008, 09:16 AM) *
@ chessfan : Tat' ca nhung cuon sach cu~ ve khai cuoc deu co ve da~ lac hau
Li' thuyet ve khai cuoc luon thay doi va cap nhat , minh nghi~ neu mua nhung quyen moi ho*n thi se tot hon , ket hop voi sw la ok
Quan trong nhat theo minh nghI~ van la su uyen chuyen trong xu li trung tan`
Vai` lo*i` co j sai bo qua nhe !!!


Cám ơn bạn,

Thật ra khi một cuốn sách ra đời thì do phải tập hợp tư liệu nên có thể nói là không cập nhật được tất cã các biến mới nhất. Hơn nữa các biến mới cũng cần phải có thời gian cọ xát thực tế nữa. Hehe!

Mình cũng có tham khảo sách báo nhưng mình vẩn thấy cuốn sách này vẩn còn giá trị nên mình thông tin đến mọi ngừời.

Thân
  Forum: Diễn Đàn Việt Nam · Post Preview: #10156 · Replies: 4 · Views: 13,673

cchessfan
Posted on: Oct 23 2008, 07:39 AM


Advanced Member
***

Group: Members
Posts: 84
Joined: 29-March 06
Member No.: 2,591


Kỳ vọng Lại Lý Huynh

Chàng trai đến từ đất Mũi mang biệt danh “Âu Dương công tử” được kỳ vọng lặp lại thành tích của Nguyễn Thành Bảo cách nay 10 năm: vượt qua đối thủ mạnh nhất đến từ người Trung Quốc (khi ấy là Hồng Trí) để lên ngôi cao nhất nội dung giải trẻ châu lục.

Trong vòng 2 năm qua, trình độ của Lại Lý Huynh liên tục tiến bộ nhờ dự nhiều giải cấp quốc gia. Tại giải đồng đội toàn quốc 2008, Huynh đoạt HCV sau khi vượt qua nhiều cao thủ như Nguyễn Vũ Quân, Trương Á Minh. Phong cách chơi cờ điềm tĩnh, kiên nhẫn, tận dụng từng lợi thế nhỏ, Huynh nhận được niềm tin của HLV trưởng Hoàng Đình Hồng và các kỳ hữu.

Hy vọng của Huynh càng được nhân lên sau khi BTC giải cờ tướng đồng đội châu Á (tại Singapore từ 21-26/10) công bố danh sách các đội dự giải. Theo đó, đại diện của cờ tướng Trung Quốc ở giải trẻ nam là một gương mặt hoàn toàn mới – Zheng Weitong (kỳ thủ trẻ của tỉnh Tứ Xuyên).

Nội dung thứ 2 được gửi gắm hy vọng là cá nhân nữ với sự góp mặt của Ngô Lan Hương – ĐKVĐ Asian Indoor Games 2, HCB thế giới và mới đây đoạt HCĐ cá nhân tại Đại hội Thể thao trí tuệ thế giới. Đối thủ lớn nhất của Hương chính là Đường Đơn – tân VĐQG Trung Quốc mới tròn 18 tuổi. Nhỏ tuổi, nhưng nữ kỳ thủ Tứ Xuyên này được đánh giá đã đạt trình độ ngang ngửa với các cao thủ đàn chị như Vương Lâm Na, Trương Quốc Phụng, Triệu Quán Phương, Hồ Minh hay Kim Hải Anh. Khả năng thắng của Hương trước đối thủ này không cao. Nhưng với sức cờ hiện tại cùng kinh nghiệm thi đấu quốc tế dày dạn, Hương có khả năng thủ hòa và nếu thêm một chút may mắn (nhỉnh hơn về chỉ số phụ chẳng hạn) thì cô rất có thể sẽ lặp lại chiến tích ở Indoor Games hồi năm ngoái.

Nội dung đồng đội nam (Vũ Quân, Thành Bảo, A Sáng, Hoàng Tùng) rất khó có hy vọng đoạt HCV, nhưng có thể hướng tới bộ HCB. Để đạt được điều ấy, trước tiên chúng ta cần tránh vấp phải sai lầm tại kỳ giải trước (thua cả những đội yếu hơn như Singapore hay Philippines). Đại diện cho làng cờ Trung Quốc tại giải này đều là các Đặc cấp QTĐS: Hứa Ngân Xuyên (ĐKVĐ thế giới), Lữ Khâm (5 lần VĐTG), Tôn Dũng Chinh (ĐKVĐ châu Á) và Tạ Chính.

Giải năm nay có sự tham gia của 16 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á. Kỳ thủ nổi tiếng Liễu Đại Hoa và nhà nghiên cứu cờ tướng lừng danh Hoàng Thiếu Long (TQ, năm nay đã 70 tuổi, tác giả của khoảng 40 cuốn sách nghiên cứu về cờ tướng) được BTC mời bình luận trực tiếp các ván quan trọng. Trước đó, “Đông Phương Điện Não” Liễu Đại Hoa (người được ca tụng là có trí nhớ của máy tính) trổ tài biểu diễn đấu cờ tưởng (bịt mắt) với cùng lúc 10 đối thủ không bịt mắt.


THÀNH CÔNG
  Forum: Diễn Đàn Việt Nam · Post Preview: #10149 · Replies: 1 · Views: 9,238

cchessfan
Posted on: Oct 14 2008, 06:10 AM


Advanced Member
***

Group: Members
Posts: 84
Joined: 29-March 06
Member No.: 2,591


QUOTE(hiepsibongdem @ Oct 5 2008, 11:25 PM) *
cuốn sách đó m“nh từng có , tr“nh bày rất chi tiếp về trận quá hà xa bpm binh pháo đấu xa , tuy nhiên mấy nước biến đánh đã cách đây mấy chục năm r�“i , bạn muốn hỏi điều g“? , m“nh thấy bạn mừng v“ có cuốn sách hay r�“i khoe khoang (hơi tiếc tiền) . Xem mà ko hiểu ý bạn muốn hỏi gỉ , nên sữa topic là tôi mới mua được cuốn sách hay th“ tốt hơn laugh.gif


Chào bạn,

Mình thấy cuốn sách in giá bìa là 25.000 đồng và thời điểm năm 2000 thì giá này là khá cao so với mặt bằng sách vở.

Ý mình là chia sẻ chứ không như bạn nói là tiếc tiền hay khoe.

Thân
  Forum: Diễn Đàn Việt Nam · Post Preview: #10135 · Replies: 4 · Views: 13,673

cchessfan
Posted on: Oct 1 2008, 02:37 AM


Advanced Member
***

Group: Members
Posts: 84
Joined: 29-March 06
Member No.: 2,591


Chào các bạn,

Tuần rồi mình có ra nhà sách củ tình cờ mua được một cuốn sách cờ tướng củ.

Sách có tựa đề : 119 đối cuộc danh tiếng của các đại sư

Người dịch : Nguyễn Tường

Nguyên tác : Trần Hiếu Khôn - Lương Vỹ Văn

Lời tựa lại xưng chúng tôi là Lý Lai Quần - Lương Vỹ Văn

Sách giới thiệu hệ thống Bình Pháo đổi xe (Trung pháo quá hà xa đối bình phong mã bình pháo đổi xe) gồm gần 20 biến chủ yếu lấy từ các giải đấu quan trọng của Trung quốc từ năm 1974 đến 1987.

Sách được xuất bản vào tháng 9 - 1997 ở Trung quốc và được nhà sách Minh Trung - Vịêt nam xuất bản năm 2000.

Cuốn sách củ của mình thấy có cao nhân nào đã dùng bút bi sữa lại những chổ in sai.

Không biết các bạn đã đọc cuốn này chưa.

Mặc dù đã xuất bản khá lâu nhưng mình vẩn thấy cuốn này khá hay. Một chí tiết nhỏ xuất bản năm 2000 nhưng giá cũng là 25.000 VN đồng cũng khá cao.

Nhóm tác giả có nói thật là khó để trinh bày một cuốn sách khai cuộc hay. Và không có gì qua thực chiến của các đặc cấp quốc tế đại sư.

Cám ơn các bạn đã đọc.
  Forum: Diễn Đàn Việt Nam · Post Preview: #10111 · Replies: 4 · Views: 13,673

cchessfan
Posted on: Feb 14 2008, 01:35 PM


Advanced Member
***

Group: Members
Posts: 84
Joined: 29-March 06
Member No.: 2,591


Cờ tướng Hà Thành

Hanoinet - Nghe kể, có một gia đình vợ chồng cãi nhau rồi dẫn đến ly hôn. Số là ông chồng, một người đàn ông hiền lành không uống rượu, không hút thuốc, chỉ mỗi tội nghiện cờ. Máu me đến nỗi, ông chẳng quan tâm đến công việc gia đình mà chỉ mải mê rong ruổi với "tướng, sĩ, tượng". Thế mới thấy sức hút ghê gớm của những quân cờ bé nhỏ. Cho nên cũng không có gì lạ khi giữa Hà thành ồn ã vẫn có những khoảng trời riêng cho cờ tướng - nhã thú đứng thứ hai trong "cầm, kỳ, thi, hoạ".

Từ cờ úp vườn hoa
Trước đây, khu vực gần khách sạn Phú Gia ở phố Lê Thái Tổ tụ tập rất đông các cao thủ cờ tướng. Giờ cao điểm, có đến vài chục bàn cờ hoạt động. Những bà bán nước chè kiêmcho thuê bàn cờ làm mướt mồ hôi không hết việc. Chỉ cần 1 - 2 nghìn đồng, cùng chén nước, bao thuốc, có thể ngồi chơi đến ê cả mông. Không phân biệt sang hèn, từ ông già tóc trắng phau đến cậu thanh niên đầu cạo trọc lốc hoặc nhuộm xanh đỏ, đều góp mặt cả. Tất cả đều máu me với đường đi bí hiểm của con cờ, những thế vây hãm ngoạn mục khiến "tướng" nằm im hay nước chiếu thay đổi toàn cục khiến đối thủ và người xem cũng phải ngả mũ kính phục.

Sau khi bị dẹp bỏ, dân nghiện cờ dạt sang khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ. Kể ra, giữa cảnh phố phường ồn ã, tự nhiên có một khoảng lặng ở đây, ngồi nhâm nhi nước chè xem đánh cờ cũng thú. Dù vẫn phải ngồi đánh chồm hỗm, "thầy giùi" bu đầy xung quanh, mặt đỏ tía tai, cãi nhau. Người chơi ở đây, bên cạnh chuyên môn còn phải có thần kinh thép để không bị xiêu lòng trước những lời "xui nguyên, giục bị".

Cờ úp là môn rất được ưa chuộng, bởi bên cạnh trình độ thì yếu tố may rủi quyết định không nhỏ đến toàn cục. Những quân cờ được lật ngược lại hoặc úp bằng nắp, sau đó xáo trộn lung tung. Người chơi cứ đi, bao nhiêu nước thì lật tuỳ theo quy định riêng mỗi cuộc đấu. Có anh chàng "trình" thấp, khi bỏ nắp ra, quân xe của mình đã ngay bên cạnh tướng của đối phương rồi, chiến thắng nhẹ như không. Kiểu này, dân ở đây gọi là "chó ngáp phải ruồi". Cũng chính vì tính may mắn mà các kỳ thủ chơi cờ thì ít, mà đánh bạc thì nhiều. Có những trận cờ lên đến bạc triệu, không khí căng thẳng như xem vua cờ Kasparov của Nga đấu với máy tính vậy. Nhưng cũng có khi, hai người chơi chỉ "độ" một chầu bia mà tiền "gà" bên ngoài gấp hàng chục lần như thế.

T "trọc" hay ông già T "bụi" đã mưu sinh hàng năm trời ở đây với nghề cố vấn, hoặc "gặp con gà nào háu đá" là "chăn". Một vấn đề nữa là các "kỳ thủ" ngồi nhiều, uống nước chè nhiều, lại căng thẳng nên thường xuyên phải đi "giải quyết". Không có nhà vệ sinh, đành chọn đại một gốc cây để "trút nỗi buồn". Nước chè, nước điếu cày cũng được đổ ra đấy tạo nên một thứ mùi khó chịu mà chỉ những người "say cờ" ở đây mới chịu nổi.

Cũng may, cờ úp ở vườn hoa Lý Thái Tổ cũng mới bị dẹp bỏ. Dân nghiện cờ mất chỗ chơi, trả lại vẻ đẹp bình an cho vườn hoa nổi tiếng của Hà Nội.

Đến "đấu trường" ngõ Trạm
Đã là dân cờ Hà thành, chắc không ai không biết "chiếu cờ" ở 33 ngõ Trạm. Quán nước nhỏ là nơi "quần hùng" tụ tập rất đông.

Chủ quán là ông Thu, một người mà đường đi nước bước của "tướng, sĩ, tượng" đã ngấm vào máu. Hơn chục năm trước, ông Thu mở quán nước chè và bày một bàn cờ để chơi cho đỡ buồn. Ngày này qua ngày khác, người đến chơi cứ đông dần. Đầu tiên là đến thử sức với chủ quán, rồi để thay đổi không khí, chuyển sang đấu với nhau. Tiếng lành đồn xa, có người đến chơi, có người lại qua xem cho biết, chẳng mấy chốc quán nước trở nên luôn quá tải, phải chen chúc nhau ngồi lấn ra cả vỉa hè. Nhìn cách đánh cờ có thể đoán ngay được, người đó tính khí thế nào: trầm tĩnh, sôi nổi hoặc dễ nóng giận.

Thế nên, chuyện cãi nhau cũng ỏm tỏi. Nhưng, nếu căng thẳng quá mức cho phép, ông Thu sẽ ra tay dàn xếp. Thậm chí có người bị ông "cấm vận" không cho đến đây vài tháng liền. Kể cũng hay. Cách đây vài năm, ông Thu còn mở hẳn một giải cờ ngõ Trạm, quy tụ khá nhiều hảo thủ, có tài trợ, có giải thưởng hẳn hoi. Tuy nhiên, nghe nói có vài kỳ thủ máu cờ ít, bạc nhiều, đã "đi đêm" để ôm giải thưởng về chia nhau. Thành ra giải cờbị chết yểu.

Có nhiều ý kiến về việc những kỳ thủ gây mất mỹ quan đô thị, thậm chí làm ô nhiễm môi trường (vì "giải quyết" không đúng chỗ) hoặc lợi dụng để đánh bạc nữa, nhưng không thể phủ nhận, cờ tướng đã là nét văn hoá riêng rất cần sự lưu tâm của những nhà quản lý phố phường Hà Nội.

Quốc Toản


  Forum: Diễn Đàn Việt Nam · Post Preview: #9896 · Replies: 0 · Views: 5,945

cchessfan
Posted on: Feb 14 2008, 01:28 PM


Advanced Member
***

Group: Members
Posts: 84
Joined: 29-March 06
Member No.: 2,591


Cờ tướng Hồ Gươm

(Hanoinet)- Không ai biết cờ tướng xuất hiện ở Hồ Gươm từ khi nào, nhưng cứ chiều chiều, rải rác dọc Bờ Hồ và cả khu vực xung quanh đền Ngọc Sơn, người ta lại thấy từng nhóm người xúm vào từng góc chơi, và xem chơi cờ tướng.

Những ngày đầu năm mới này, số người chơi dường như tăng lên đáng kể. Trong “làng chơi” cờ tướng nơi đây không ai không biết cụ Tứ, nhà ở phố Hàng Bè, đã ở vào cái tuổi “thất thập cổ lai hi”. Cụ bảo, đã 15 năm nay, sau khi về hưu, trừ những ngày trái gió trở trời, còn không, không có ngày nào cụ không ra Bờ Hồ “thư giãn” với bàn cờ.

Theo cụ, cờ tướng là môn thể thao trí tuệ, thể hiện được tính cách, tư duy, khả năng nhìn xa trông rộng, ngoài ra giúp tuổi già trở nên hoạt bát, phản ứng nhanh nhẹn, chơi mãi thấy... trẻ ra. Phần lớn tới chơi cờ ở đây là các cụ cao tuổi, nhưng cũng có không ít thanh niên tham gia, nhất là vào ngày thứ 7, chủ nhật.

Nhiều khách Tây đi qua, thấy hay cũng tập đánh chơi, có người xem lâu thành “nghiện”. Nghiện thứ gì chứ nghiện cờ tướng thì quả rất “lành”. Không ít nhiếp ảnh gia nhờ có môn cờ tướng ở Hồ Gươm mà có ảnh đem đi triển lãm trong, ngoài nước. Những ngày mưa to gió lớn, vắng khách bách bộ, vắng những bàn cờ, Hồ Gươm buồn hiu hắt. Còn không, ngày thường, mặc cho phố xá ồn ào náo nhiệt, mặc cho những dòng xe cộ tấp nập ngược xuôi, những người chơi cờ vẫn chú tâm “đấu trí”, không phải là những trận đấu quyết liệt, một mất một còn nhằm mang lợi lộc, vinh danh về cho bản thân, mà tất cả chỉ là thú chơi tao nhã, là để thư giãn tâm hồn.

Cùng với thời gian, cờ tướng Hồ Gươm trở thành nét văn hóa đặc trưng của người Hà Nội. Có người còn cho rằng, nếu Hồ Gươm thiếu mất thú chơi cờ tướng, như thiếu mất cái hồn nơi đất thiêng này vậy.

Hoàng Trâm

  Forum: Diễn Đàn Việt Nam · Post Preview: #9895 · Replies: 0 · Views: 5,950

cchessfan
Posted on: Feb 14 2008, 12:13 PM


Advanced Member
***

Group: Members
Posts: 84
Joined: 29-March 06
Member No.: 2,591


Cám ơn bạn,

Nếu được xin bạn có thể post cho xem ván đấu.

Cám ơn trước nhé!!!

Thân
  Forum: Diễn Đàn Việt Nam · Post Preview: #9894 · Replies: 5 · Views: 14,465

cchessfan
Posted on: Jan 31 2008, 09:54 AM


Advanced Member
***

Group: Members
Posts: 84
Joined: 29-March 06
Member No.: 2,591


Cám ơn bạn.

Về đi tiên mình thích nhất là Lữ Khâm (Trung quốc) sau đến Trềnh A Sáng (Việt nam). Lữ Khâm thì qua nổi tiếng với Trung pháo tấn tam binh. Xem Lữ khâm trong các giải đấu như Thế giới lần thứ 9/2005, họ Lữ làm thịt các cao thủ thấy mà "chóang" gì mà chỉ trong 17 đến 22 nước đi mà đã xong rồi. Quá phục! Nói về đi tiên về Trung pháo thì Lữ Khâm là thần tượng của mình. Lối đánh của họ Lữ thật đặc sắc. Thương hiệu Lữ Khâm

Về đi hậu mình thích nhất là Nguyễn Vũ Quân (Việt nam) sau đến là Hứa Ngân Xuyên (Trung quốc) và Mai Thanh Minh (Việt nam). Tiếc rằng họ Mai phong độ đã sút giảm.

Tất nhiên còn nhiều danh thủ nữa như Nguyễn Thành Bảo (Việt nam)... nhưng mình cũng không biết xếp vào đi tiên hay đi hậu.

Thân
  Forum: Diễn Đàn Việt Nam · Post Preview: #9887 · Replies: 5 · Views: 17,255

cchessfan
Posted on: Jan 24 2008, 02:21 PM


Advanced Member
***

Group: Members
Posts: 84
Joined: 29-March 06
Member No.: 2,591


Cờ Toán Việt Nam: Khát vọng chinh phục thế giới

Ở dốc Suối Hoa, ngay giữa trung tâm thành phố Bắc Ninh có một ông già đa tài, đa đoan. Ông là Vũ Văn Bẩy, gần 70 tuổi, người nổi tiếng với tài bắt gôn bóng đá, với nghề nặn tượng, viết văn. Ông cũng là tác giả môn chơi trí tuệ Việt Nam “xịn”: Cờ Toán. Khát vọng của ông là Cờ Toán sẽ chinh phục thế giới, thể hiện Trí tuệ Việt Nam và triết lý sâu sắc về cuộc đời.

Tuổi thơ, chiếc xe đạp và Cờ Toán

Nhắc lại chuyện tuổi thơ, ông Bẩy cười có phần ngượng nghịu. Ông kể: “Năm 12 tuổi khi vẫn mê mải với những trò chơi khăng, đánh đáo, đánh cờ thì tôi… lấy vợ. Nào đã biết gì đâu về chuyện vợ chồng. Vì ông bố hứa “nếu cưới vợ thì cho cái xe đạp”, thích quá, háo hức quá nên đồng ý thôi”. Khi 19 tuổi, ông trở lâm vào cảnh “gà trống nuôi con”. Ông đã phải lăn lộn, làm đủ những công việc nặng nhọc nhất để nuôi 3 đứa con. Thế rồi, cứ mỗi lần nhìn các con lao vào những trò chơi vô bổ như mình ngày nhỏ, ông càng nung nấu suy nghĩ về một trò chơi hữu ích nào đó. Thế rồi những thế cờ Toán mang máng xuất hiện trong đầu ông. Ông bảo, nếu đem “chiếu” theo một lăng kính nào đó thì mọi chuyện trên đời này sẽ đơn giản, bớt nặng nề đi rất nhiều. Vốn thạo chơi cờ tướng, cờ trận, ông nghĩ nếu tất cả các phép tính dù đơn giản hay phức tạp đều được đem ra chơi với nhau thì Toán học sẽ không còn đáng sợ với con trẻ nữa. Lối tư duy ấy, cũng là cách để ông vượt qua những năm tháng khó khăn của cuộc đời mình.

Lúc đầu, trò chơi cờ Toán của ông chỉ là những phép tính đơn giản dành cho trẻ con, lâu dần có đủ cả các phép tính cộng, trừ, nhân, chia. Ông cũng không biết mình đã mất bao nhiêu thời gian để hoàn thiện trò chơi này. Cứ khi nào nghĩ được một thế cờ, ông lại mày mò cả đêm để thực hành. Ngay bộ quân cờ cũng phải đổi đến lần thứ 3, ông mới ưng ý. Lúc đầu quân cờ được đánh số, nhưng vì số 9 để ngược lại giống với số 6 và ngược lại nên ông chuyển sang sử dụng chữ số La Mã. Thấy cũng không ổn, ông chuyển sang lối dân dã, sử dụng các dấu chấm để biểu trưng cho giá trị của quân cờ. Các sốlẻ thì có chấm ở giữa. Thoạt đầu nhìn cũng hơi rối mắt nhưng chơi vài lần cũng quen. Đến những năm 80 của thế kỷ 20, trò chơi cờ do ông phát minh đã khá hoàn thiện. Ông đặt tên là Cờ Toán Việt Nam.

Hành trình lận đận…

Năm 1982, khi Cờ Toán Việt Nam đã được khá nhiều người biết đến và ưa thích, ông mang đến Uỷ ban khoa học tỉnh Hà Bắc nhờ thẩm định để phổ biến rộng rãi. Ông được giới thiệu lên Uỷ ban khoa học Nhà nước. Tại đây, bộ cờ của ông được giữ lại nghiên cứu. Dù nhận thấy trò chơi rất hay, thú vị nhưng Uỷ ban khoa học Nhà nước cũng không cấp bằng sáng chế cho ông. Đã thế, nhiều người còn nghi ngờ ông học mót ở đâu đó nên cứ hỏi đi hỏi lại rằng “nhà bác có những ai ở nước ngoài?” hay “bác đã đi nước ngoài bao nhiêu lần?”… Theo lập luận của ông các thế cờ chiến lược của Cờ Vua là luỹ thừa 16, Cờ Tướng là luỹ thừa 32 thì Cờ Toán là luỹ thừa của 187 (hiện đã rút xuống luỹ thừa của 87). Không một máy tính nào lúc đó có thể tính được luỹ thừa của 187 nên không ít người cho rằng ông bị… hoang tưởng! Sau đó, vì coi đây là trò chơi nên Cờ Toán của ông được giới thiệu sang bên khoa học xã hội và nhân văn. Thật vui và cũng buồn là nhiều người ở đây đem Cờ Toán ra chơi với nhau rất say mê, quên phéng chuyện cấp “giấy khai sinh” cho đứa con tinh thần của ông.

Không được cấp sáng chế, ông định tìm cách gửi ra nước ngoài để phổ biến. Tuy nhiên khi mang đến cơ quan xuất nhập cảnh, người làm thủ tục bảo: “Nếu chứng minh được đúng như lời bác thì bác sẽ bị tội làm mất bí mật quốc gia đấy”. Hoảng quá ông lại ôm cờ về.

Thế rồi qua rất nhiều thủ tục và hơn 20 năm lận đận, ngày 18-5-2005 Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật, Bộ Văn hoá Thông tin đã cấp giấy chứng nhận bản quyền số 712 cho Cờ Toán của ông. Thật khó diễn tả hết sự sung sướng, hạnh phúc khi ông nhận được tờ “giấy khai sinh” ấy.

Triết lý và khát vọng

Ông Vũ Văn Bẩy cho biết, Việt Nam đã có những truyền thuyết về “Trạng cờ”, và Cờ Toán là sự kế thừa, phát huy truyền thống văn hoá, thể thao của dân tộc. Đây là trò chơi trí tuệ nhưng cũng dễ chơi. Từ em nhỏ mới biết cộng trừ đến các giáo sư toán học đều có thể chơi Cờ Toán phù hợp với trình độ của mình. Bất kỳ ai đã biết luật chơi cũng khó dời xa được sức hút của Cờ Toán. Người mới học có thể chỉ chơi cộng, trừ, người khá hơn có thể chơi cả cộng, trừ, nhân, chia. “Cao thủ” hơn có thể chơi theo phép tính mũ, tính thập phân… hay chơi theo hoá trị trên bảng tuần hoàn Menđêlêép… Theo ông Bẩy thì tính cao siêu vô cùng tận, tính dân dã, bác học của Cờ Toán là vậy. Cờ Toán cũng kích thích tư duy tính toán, suy luận nên thực sự là một phương tiện cho học sinh, sinh viên “học mà chơi, chơi mà học” đầy hiệu quả.

Ông Bẩy rất tâm đắc với mục tiêu của Cờ Toán Việt Nam là “thân thiện – trí tuệ và sáng tạo”. Ông bảo rằng, ẩn sau mấy chữ này là một triết lí nhân sinh thật cao cả. Bởi lẽ ở đời cộng và nhân là tất yếu, người ta vơ vào cho mình là lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, ở đời cũng phải biết trừ đi của mình, biết chia cho người khác. Vì thế, trong các phép tính để tấn công hay phòng thủ của Cờ Toán, có lúc cộng hay nhân là hay, nhưng có khi phải trừ hay chia mới hiệu quả. Cuộc đời ai chẳng có lúc buồn – vui, nhận – cho, rủi ro – may mắn. Vì thế, chơi Cờ Toán, hiểu được triết lý nhân sinh ấy, sẽ thấy cuộc đời dễ chấp nhận hơn, có ý nghĩa hơn.

Theo ông Vũ Văn Bẩy, thật mừng là từ đầu xuân này, một giải đấu Cờ Toán Việt Nam sẽ được tổ chức thường nên ngay tại… nhà ông. Đó là sự khởi đầu, về lâu dài ông mong muốn Cờ Toán được phổ biến trong tất cả các trường học để giúp các em thích học toán và học có hiệu quả hơn. Với triết lí cuộc đời và cũng vì “Toán học thì ở nước nào chả giống nhau” nên khát vọng của ông là Cờ Toán Việt Nam sẽ chinh phục người chơi trên toàn thế giới.

Hà Phương

HLV Nguyễn Minh Thắng, Liên đoàn Cờ Việt Nam:

Cờ Toán rất tốt cho phát triển trí tuệ

Cờ Tướng, Cờ Vua, Cờ Vây hiện vẫn có những tranh cãi về nguồn gốc giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, chưa thể khẳng định 100% là có đầu tiên ở nước nào. Thái Lan cũng có môn cờ riêng rất thú vị. Vì thế, nếu Cờ toán chứng minh được tính hấp dẫn, được nhiều người hưởng ứng chơi thì càng hay, bởi đây chắc chắn là cờ của Việt Nam, đã được cấp chứng nhận bản quyền.

Tuy nhiên, việc tuyên truyền, đưa được một môn cờ vào cuộc sống cần rất nhiều thời gian. Khi đã có một số lượng người chơi thường xuyên nhất định thì Liên đoàn Cờ sẽ có những khảo sát để xem xét công nhận và đưa vào hệ thống thi đấu quốc gia.

Tôi chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ về Cờ Toán Việt Nam, nhưng sơ bộ có thể nhận thấy đây là môn cờ rất hay, rất trí tuệ và có độ khó cao. Một em nhỏ chưa biết chữ, chưa biết phép tính cũng có thể chơi Cờ Vua, Cờ Tướng hay Cờ Vây, còn với Cờ Toán, chắc chắn các em phải thuộc các phép tính trong bảng cửu chương thì mới chơi thành thạo được. Vì thế, nếu triển khai sâu rộng được trong hệ thống nhà trường thì rất tốt cho việc rèn luyện tính toán, trí nhớ cho các em.

Luật chơi Cờ Toán Việt Nam

Bàn cờ: Hình chữ nhật cỡ 350 x 450mm, chia đều thành 99 ô vuông, mỗi cạnh 35mm, ô số 5 trong hàng ngang thứ 2 mỗi bên có đường chéo của 4 góc vuông là vị trí cố định của quân cờ số không (0).

Quân cờ: Hình trụ tròn, cao 10mm, đường kính 20mm, mỗi bên có 10 quân, màu sắc khác nhau. Quân số 0 có hình bộ não người, màu xám trắng. Những quân cờ còn lại dùng dấu chấm tròn sẫm màu biểu trưng của các số nguyên đơn từ 1 đến 9.

Xếp quân: Hai bên cùng xếp quân vào hàng ngan dưới cùng, thứ tự từ 1 đến 9, từ trí sang phải, quân số 0 xếp vào ô có dấu chéo, phía trên ô số 5.

Cách đi: Quân số 0 không được di chuyển, những quân còn lại đều được đi thẳng theo 4 chiều dọc ngang và 4 hướng chéo Đông, Tây, Nam, Bắc. Mỗi ô trống trên bàn cờ là một nước đi. Số bước đi tuỳ theo số của quân cờ, quân có trị số nhiều có thể thực hiện bước đi thấp hơn. Ví dụ quân số 9 có thể đi từ 1 đến 9 ô trống.

Cách bắt quân: Phải có 2 quân bên mình đứng trong 2 ô liền nhau để lấy trị số của 2 quân tính nhẩm cộng, trừ, nhân, chia với nhau. Đáp số của mỗi phép tính ấy là điểm được bắt quân đối phương. Chỉ đánh số nguyên đơn từ 1 đến 9, quá 10, 20 hay 30… thì trừ đi. Riêng phép tính chia được đánh cả số dư. Ví dụ 8:5 = 1 dư 3. Như vậy có thể bắt quân ở ô số 1 hoặc ô số 3 theo hướng đi quân.

Kết thúc 1 ván cờ: Mỗi chấm trên mặt quân cờ tương ứng 1 điểm. Hai bên thoả thuận thang điểm cho mỗi ván đấu là 10, 20 hay 30… điểm. Nếu bắt được quân số 0 là thắng tuyệt đối. Một cuộc chơi có thể thoả thuận 3, 5 hay 7 ván nhưng nếu bên đang bị dẫn điểm bắt được quân số 0 cũng giành chiến thắng tuyệt đối, kết thúc cuộc chơi.
  Forum: Diễn Đàn Việt Nam · Post Preview: #9851 · Replies: 1 · Views: 7,577

cchessfan
Posted on: Jan 24 2008, 09:20 AM


Advanced Member
***

Group: Members
Posts: 84
Joined: 29-March 06
Member No.: 2,591


Chào bạn,

Cám ơn bạn về bài viết.

Mình đang tìm cuốn "Phản công Mã" của tác giả Hồ Vinh Hoa do nhà xuất bản TDTT Hà nội dịch và xuất bản đâu như năm 1988? (1998?). Nghe nói cuốn này do Hồ Vinh Hoa lần đầu tiên xuất bản tại Thượng Hải rất nổi tiếng.

Tiếc là sau Họ Hồ hình như ít có danh thủ nào thành công với "chiến pháp Phản công Mã" trong thực chiến của các giải đấu.

Còn Một cuốn nữa "Pháo đầu đối phản công mã" của tác giả Nguyễn Bá Hùng biên sọan cũng rất hay.

Thân
  Forum: Diễn Đàn Việt Nam · Post Preview: #9849 · Replies: 3 · Views: 13,998

cchessfan
Posted on: Jan 4 2008, 08:57 AM


Advanced Member
***

Group: Members
Posts: 84
Joined: 29-March 06
Member No.: 2,591


Cờ tướng Việt Nam 2007

Một bước tiến mới

Hội nhập vào đấu trường quốc tế từ giữa thập niên 90, tuy chưa được đầu tư nhiều như những môn thể thao khác, nhưng cờ tướng Việt Nam vẫn giành nhiều thành tích khả quan trên đấu trường châu lục và thế giới. Trong năm 2007, vẫn với những bước chân lặng lẽ, thầy trò HLV Hoàng Đình Hồng đã đóng góp vào bảng vàng thành tích Việt Nam tại Asian Indoor Games lần 2 ở Macao bằng ngôi vô địch nội dung cá nhân nữ.

Nhiều cái nhất

Nếu như những năm trước đây, hệ thống thi đấu quốc gia của cờ tướng chỉ có 3 giải: trẻ, vô địch hạng Nhất và vô địch đồng đội thì trong năm 2007, cờ tướng Việt Nam đã bắt đầu khởi tranh giải các đấu thủ mạnh (từ ngày 16 đến 22-12 tại Bà Rịa Vũng Tàu) mang tính chất tổng kết cũng như tạo thêm điều kiện cho các kỳ thủ cọ xát, rút tỉa kinh nghiệm.

Với việc được góp mặt tại Asian Indoor Games 2 đã khiến năm 2007 trở thành năm mà các kỳ thủ Việt Nam góp mặt tranh tài quốc tế nhiều nhất, bởi những năm trước chỉ có 2 giải: VĐTG và vô địch châu Á.

Chính nhờ thi đấu các giải quốc tế nhiều hơn mà cờ tướng được chăm sóc khá hơn, số thành viên đội tuyển được tập huấn đông nhất (1 HLV và 9 VĐV) và dài hơi nhất với 4 tháng rèn luyện tại Trung tâm HLTTQG 2.

Năm 2007 cũng là năm các kỳ thủ nước ta giành nhiều thành tích nhất. Ở giải vô địch thế giới tại Macao, Ngô Lan Hương giành HCB cá nhân còn Nguyễn Vũ Quân/Nguyễn Thành Bảo giành ngôi á quân đồng đội nam.

Bên cạnh đó, Thành Bảo còn nhận HCĐ cá nhân nam. Chưa đầy 1 tuần sau đó, cũng ở Macao, dù chưa thật sự hồi phục, Ngô Lan Hương vẫn đoạt HCV cá nhân nữ, Nguyễn Vũ Quân giành HCB cá nhân nam và Trềnh A Sáng/Nguyễn Thành Bảo giành HCB đồng đội nam tại Asian Indoor Games lần 2.

Thành tích của nữ kỳ thủ Ngô Lan Hương lập 2 kỷ lục: VĐV nữ cờ tướng Việt Nam đầu tiên đoạt huy chương thế giới và cũng là nữ VĐV cờ tướng Việt Nam đoạt HCV từ tay đại kình địch Trung Quốc. Có một chi tiết thú vị, trong những ngày dự Asian Indoor Games, do thường bị chóng mặt lúc đi ôtô, Lan Hương được một nam “tình nguyện viên” đã quen ở giải VĐTG dùng xe gắn máy đưa đón cô đi thi đấu.

Sau đó, chiếc HCB giải vô địch châu Á của Đàm Thị Thùy Dung tại Indonesia đã khép lại một năm thành công của cờ tướng Việt Nam.

Đến đại hội thể thao trí tuệ toàn cầu lần 1-2008

Theo HLV Hoàng Đình Hồng, thành quả của năm 2007 tạo tiền đề cho cờ tướng Việt Nam bước vào năm 2008 với nhiều nhiệm vụ quan trọng. Sau giải vô địch hạng Nhất sẽ diễn ra tại Cao Bằng từ ngày 24-2 đến 2-3, đội dự tuyển quốc gia sẽ tập trung, chuẩn bị cho các giải quốc tế trong năm 2008, mà quan trọng nhất là Đại hội thể thao trí tuệ toàn cầu lần thứ I tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 3 đến 17-10. Đại hội này tổ chức thi đấu nhiều môn, trong đó có 5 môn cờ, 2 môn bài cùng cùng một số môn thể thao điện tử khác như robot đá bóng…

Đợt tập huấn đội tuyển quốc gia năm 2008 còn nhắm đến mục tiêu xa hơn - Asian Indoor Games lần thứ 3-2009 do Việt Nam đăng cai tổ chức. Hình thành được tinh thần đoàn kết và sự ganh đua lành mạnh trong đội tuyển trong thời gian qua cũng như đề ra các đấu pháp hợp lý là một trong những nguyên nhân thành công của cờ tướng Việt Nam.

Bên cạnh đó, lực lượng nữ đang vững mạnh - kỳ thủ Đàm Thị Thùy Dung vừa được phong đặc cấp quốc tế đại sư (tương đương đại kiện tướng quốc tế môn cờ vua) hoặc Ngô Lan Hương không bại trận nào và có thể lên ngôi vô địch thế giới năm 2007 nếu không bất ngờ bị đối thủ yếu là Chiêm Mẫn Xuân thủ hòa, giới mộ điệu có nhiều cơ sở để kỳ vọng cờ tướng Việt Nam sẽ tiếp tục chinh phục đỉnh cao mới…

TRÚC QUỲNH

  Forum: Diễn Đàn Việt Nam · Post Preview: #9813 · Replies: 0 · Views: 6,051

cchessfan
Posted on: Dec 24 2007, 03:24 AM


Advanced Member
***

Group: Members
Posts: 84
Joined: 29-March 06
Member No.: 2,591



Hôm nay, đoàn cờ tướng Trung Quốc gồm 5 kỳ thủ Bốc Phong Ba, Trịnh Nhất Hoằng, Vương Bân, Trần Hiếu Khôn và Lý Bằng sẽ có mặt tại VN theo kế hoạch giao lưu cờ tướng thường niên giữa 2 nước. Ngày mai (25/12), đoàn sẽ thi đấu giao hữu với các kỳ thủ thuộc đội tuyển TPHCM.

THÀNH CÔNG

------------------------------------------------------

Bác nào có thông tin về giờ và địa điểm thí đấu xin cập nhật để anh em có điều kiện có thể tới xem.

Cám ơn
  Forum: Diễn Đàn Việt Nam · Post Preview: #9771 · Replies: 2 · Views: 8,973

cchessfan
Posted on: Dec 24 2007, 03:18 AM


Advanced Member
***

Group: Members
Posts: 84
Joined: 29-March 06
Member No.: 2,591


Cờ tướng - giải các đấu thủ mạnh toàn quốc: Ngô Lan Hương vô địch sớm 1 vòng đấu

Sáng qua, quốc tế đại sư Ngô Lan Hương mặc dù phải đi Hậu nhưng vẫn xuất sắc kích bại Hồ Thị Thanh Hồng (BĐ) để một mình dẫn đầu bảng nữ với 5 điểm sau 6 ván, hơn nhóm kế sau (Đàm Thị Thùy Dung và Nguyễn Phi Liêm) 1 điểm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Hương đã chắc chắn giành được ngôi vô địch, bất kể kết quả ván cuối vào sáng nay (gặp Hà Mai Hoa) ra sao. Tấm HCB sẽ tiếp tục là cuộc so đọ giữa Á quân châu Á 2007 Đàm Thị Thùy Dung (TPHCM) với Phi Liêm (Bộ CA).

Tại bảng nam, “túy kỳ tiên” Trềnh A Sáng đã kích bại được “Bạch Mi ưng Vương” Trương A Minh (cùng đơn vị TPHCM) trong một ván đấu “mang tính hữu nghị” tại ván đấu thứ 8 diễn ra tối qua. Cùng ở vòng này, 2 quái kiệt Nguyễn Vũ Quân và Nguyễn Thành Bảo không ai dám mạo hiểm trong cuộc so tài trực tiếp, đành chia điểm. Như vậy, trước ván đấu cuối cùng vào sáng nay, Nguyễn Thành Bảo và Trềnh A Sáng cùng được 6 điểm, nhưng Bảo tạm xếp trên vì hệ số cao hơn. Vũ Quân xếp ngay phía sau với 5,5 điểm.

THÀNH CÔNG
  Forum: Diễn Đàn Việt Nam · Post Preview: #9770 · Replies: 0 · Views: 5,743

cchessfan
Posted on: Dec 5 2007, 04:40 AM


Advanced Member
***

Group: Members
Posts: 84
Joined: 29-March 06
Member No.: 2,591


QUOTE(ao_dai @ Nov 13 2007, 11:53 AM) *
Kỳ Đài Bằng Hữu chỉ hoạt động vào 15h chiều CN hàng tuần thôi cchessfan ạ! Những ngày thường mặt bằng này được sử dụng vào mục đích khác, nên cchessfan ghé đó không thể gặp Bang_Huu hoặc anh em được! Thấy cchessfan rất nhiệt tình , Bang_Huu muốn liên lạc để bàn việc hợp tác đưa các ván đấu của tất cả các Kỳ Đài lên mạng cho các bạn thưởng thức, chứ không có ý gì !

Thân!


Chào anh Bằng Hữu,

Để đưa các ván đấu của tất cả các Kỳ Đài lên mạng, mình đề nghị như thế này không biết ý anh ra sao :

Mình sẽ post các ván đấu của :

-Kỳ đài Kỳ Ngộ sinh họat vào sáng Thứ tư và Thứ bảy.
-Kỳ Đài 65 Nguyễn Thông sinh họat vào Chủ nhật

Các ngày : Thứ Tư, Thứ bảy và Chủ nhật mình sẽ ghé qua 65 Nguyễn Thông vào buổi trưa từ 11h00-13h00 hoặc từ 18h00-19h30 để lấy biên bản các ván đấu. Sau đó mình sẽ cố gắng đưa lên mạng cho các bạn thưỡng thức trong vòng 24h00. Riêng các ván đấu ngày Thứ bảy và Chủ nhật thì mình xin sẽ post vào ngày thứ hai.

Nói chung là mình có nhiệm vụ đánh máy và đưa lên mạng. Nếu được thì từ biên bản ván đấu anh viết lại có lời bình vào giấy khổ A4 sau đó mình sẽ post lên. Thêm nữa là mình sẽ học cách post ván đấu theo dạng bàn cờ để các bạn dể thưỡng thức.

Hôm nay Thứ Tư theo lịch là Kỳ đài Kỳ Ngộ nếu kịp thì tối nay 5-12-2007 mình sẽ ghé qua Nguyễn Thông để lấy ván đấu ngày mai mình sẽ post lên. Nhờ anh chỉ định người mình sẽ gặp. Nếu không kịp thì mình sẽ bắt đầu vào Thứ bảy tuần này 8-12-2007.

Tương lai “nhóm post” ne6n có thêm người nữa để back up nếu mình có bận việc để không ảnh hưỡng đến việc theo dõi kỳ đài của các Kỳ hữu.

Thân

PS. nhiều khi email qua lại nên không hiểu nhau, dễ gây hiểu lầm. Hehe!! Nếu có gì không phải bỏ qua nha anh!!!
  Forum: Diễn Đàn Việt Nam · Post Preview: #9753 · Replies: 7 · Views: 22,271

cchessfan
Posted on: Nov 30 2007, 06:03 AM


Advanced Member
***

Group: Members
Posts: 84
Joined: 29-March 06
Member No.: 2,591


Tiền bạc không phải là chìa khóa của thành công

Người Việt xa sứ: HLV Hoàng Minh Chương: “Tiền bạc không phải là chìa khóa của thành công”

Là người từng bỏ ra khá nhiều tiền đầu tư cho các kỳ thủ VN, nhưng tiến sĩ toán học Hoàng Minh Chương vẫn khẳng định: “Chìa khóa của thành công không phải là tiền bạc”. Ông tiết lộ bí quyết thành công của Chesscom cũng như cá nhân ông là chịu khó tìm tòi, học hỏi để tìm ra phương pháp chính xác nhất để đi đến thành công.

Đến nay, sự nghiệp huấn luyện cờ vua của HLV Hoàng Minh Chương đã kéo dài được 25 năm, bắt đầu bằng việc tham gia huấn luyện cờ vua tại Cung thiếu nhi Hà Nội từ năm 1982 rồi sau đó phụ trách ban cờ vua của Hội Thể thao Đại học VN, trong đó chủ yếu đào tạo cho thiếu niên và sinh viên trẻ. Tuy nhiên, chỉ đến khi chuyển sang công tác tại ĐSQVN ở Hungary từ năm 1988 thì ông mới có điều kiện tiếp cận sâu hơn với môn thể thao trí tuệ này.

Để có tiền nuôi cờ vua, ông thành lập Công ty Sakkepzes es Kulker (tiền thân của Chesscom) từ hai bàn tay trắng. Đến nay, Chesscom đã góp phần giúp đỡ đào tạo và tập huấn cho hơn 40 lượt VĐV VN, trong đó nhiều người trở thành Đại KTQT, KTQT như: các Đại KTQT nam Đào Thiên Hải, Nguyễn Anh Dũng, Cao Sang, Nguyễn Ngọc Trường Sơn, hai Đại KTQT nữ Hoàng Thanh Trang và Nguyễn Thị Thanh An, KTQT nữ Lê Kiều Thiên Kim, các KTQT Bùi Vinh, Phạm Minh Hoàng... Ông cũng huấn luyện trực tiếp các kỳ thủ VN giành nhiều thành tích quốc tế xuất sắc như: Đào Thiên Hải (VĐ U.16 thế giới), Hoàng Thanh Trang (VĐ U.20 thế giới, VĐ châu Á, BK Cúp thế giới, HCV bàn 1 Olympic cờ vua thế giới, HCB đồng đội nữ châu Á năm 1995 và 2003)...

Thời gian đầu bắt tay vào công tác đào tạo, ông mời nhiều HLV nước ngoài (phần lớn là Đại KTQT) đến giảng dạy với mức phí khá cao nhưng hiệu quả không cao. Đến năm 1998, ông không mời chuyên gia nữa và xác định chỉ có làm theo phương pháp riêng mới có thể thành công. Tài liệu và sách vở về chuyên môn cờ vua khá nhiều, nhưng ông biết mọi việc không chỉ đơn giản là tập hợp tài liệu mà cần có sự phân tích, sáng tạo. Đã có kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm tại trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, từng hướng dẫn luận án tốt nghiệp, nên ông không gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch đối với mỗi VĐV. Ông nói: “Bản chất của toàn bộ vấn đề tôi làm là tìm được phương pháp đúng, mà phương pháp là những thứ phần đông không ai sử dụng hoặc sử dụng ngược lại”.

Ngay cả việc huấn luyện “cô công chúa nhỏ” Hoàng Thanh Trang, cũng có nhiều ý kiến cho rằng “dao sắc không gọt được chuôi”, nhưng ông Chương lại nghĩ khác: “Điều quan trọng là xây dựng được phương pháp đào tạo, cách nhìn, đánh giá sự vật, hiện tượng theo một quan điểm thống nhất. Tôi lấy đó làm nền móng để khi giảng dạy, cứ thế mà thực hiện thì sẽ khách quan hơn và không bị lệ thuộc vào mối quan hệ gia đình”. Ông nhận ra những tiềm năng của Thanh Trang từ khi cô bé mới 2 tuổi, nhưng phải đến năm 1990, khi Trang từ Hà Nội sang thăm bố ở Hungary thì ông mới có điều kiện “mài giũa” cho viên ngọc của mình. Ngay ở giải cờ vua lứa tuổi thiếu niên Hungary, Trang gây ra bất ngờ khi lần lượt vượt qua các vòng loại để đoạt HCB ở VCK. Nhưng đến khi cô bé châu Á tiếp tục đại diện cho Hungary đoạt HCĐ tại giải VĐ U.12 thế giới ở Duisburg, Đức thì không còn ai bất ngờ nữa.

Cột mốc đáng nhớ đối với HLV Hoàng Minh Chương là ngày 20/11/1992 khi Đào Thiên Hải trở thành KTQT đầu tiên của VN và điều đó chứng tỏ phương pháp huấn luyện của ông đã đi đúng hướng. Đến ngày 13/2/1995, lò Chesscom ăn mừng thành công lớn khi Hoàng Thanh Trang chính thức được tấn phong danh hiệu Đại KTQT nữ và đúng 4 tháng sau (13/6/1995), Đào Thiên Hải trở thành người VN đầu tiên giành danh hiệu Đại KTQT nam. Đến nay, mục tiêu của ông Chương là tiếp tục đào tạo ra những siêu Đại KTQT (hệ số elo từ 2.610 trở lên) cho VN và hy vọng này được đặt vào vai những kỳ thủ trẻ tài năng như Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Lê Quang Liêm.

SÂM CẦM
  Forum: Diễn Đàn Việt Nam · Post Preview: #9749 · Replies: 0 · Views: 6,235

cchessfan
Posted on: Nov 28 2007, 10:47 AM


Advanced Member
***

Group: Members
Posts: 84
Joined: 29-March 06
Member No.: 2,591


Mới các bạn vào đường link sau

http://www.01xq.com/e_game_view.asp?id=0010305FEB9A4A
  Forum: Diễn Đàn Việt Nam · Post Preview: #9744 · Replies: 0 · Views: 7,543

cchessfan
Posted on: Nov 26 2007, 05:58 AM


Advanced Member
***

Group: Members
Posts: 84
Joined: 29-March 06
Member No.: 2,591


Vào mạng “luyện công” cờ vua

Bạn đừng tưởng các trang web về cờ chỉ là nơi “hò hẹn” hoặc cáp độ của những người chơi cờ nghiệp dư muốn thỏa sức làm VĐV thứ thiệt. Hiện nay, nhiều kỳ thủ hàng đầu của nhiều quốc gia vẫn “chạm mặt” nhau trên bàn cờ “ảo” kiểu này hàng ngày.

Muôn nẻo đường cờ
Ở Việt Nam, có lẽ “già làng” Từ Hoàng Thông (Đại KTQT) là một trong những người chơi cờ trên mạng sớm nhất, như anh kể: “Sau chuyến du đấu ở Úc năm 1995, tôi bắt đầu biết đến hình thức chơi cờ trên mạng nhưng mãi đến năm 1997, khi làm việc ở Singapore, tôi mới có điều kiện sử dụng internet để chơi thường xuyên. Hầu như ngày nào tôi cũng đánh cờ “online” từ 1-2 giờ, hôm nào hăng thì 4-5 giờ mới thôi”. Thực ra, muốn “nhập môn” chơi cờ trên mạng cũng khá đơn giản bởi chỉ cần bạn có một máy vi tính cấu hình tương đối, có thể truy cập internet rồi vào địa chỉ trang web cần dùng, tạo account (tương tự đăng ký địa chỉ email) và tải chương trình để chơi là… vào cuộc được ngay.

Lướt qua trang web của 5 tuyển thủ cờ vua vừa từ Indoor Games trở về, PV Thể Thao “nhặt” được ngay địa chỉ 5 trang web, trong đó chỉ có website www.chessclub.com (ICC) buộc người chơi phải đóng tiền (50 USD/năm, phương thức thanh toán có thể trực tiếp qua mạng hoặc thông qua ngân hàng). Chơi cờ trên mạng từ 4/2002 ở các website www.playchess.com (tập trung các VĐV, kỳ thủ chuyên nghiệp) và ICC, đại KTQT Lê Quang Liêm nhận xét. “Hiện nay, em chơi chủ yếu ở trang ICC vì qua một thời gian, em thích trang này do admin chuyên nghiệp hơn và nhiều đối thủ để mình cọ xát hơn”. Cũng theo Quang Liêm, ở các trang web không thu phí thì trình độ quản lý của admin kém hơn, người chơi phải chấp nhận có thể bị xóa account bất cứ lúc nào, tùy… tâm trạng của admin. Đơn cử, trang playchess.com tuy không buộc nộp phí, nhưng khi bạn chơi “free” thì có thể bị khóa nick sau một thời gian không chịu trả tiền “ở trọ”, còn nếu bạn đóng phí thì lại được sử dụng thêm một số tiện ích kèm theo. KT FIDE Phạm Bích Ngọc, HCĐ cá nhân cờ chớp tại Asian Indoor Games vừa qua, cho biết: “Chơi cờ ở ICC là tốt nhất đối với các kỳ thủ muốn tập luyện như chúng tôi. Nhưng do tại đây chỉ cho free 7 ngày nên tôi thường dạo qua dạo lại 3 trang khác nhau”. Bích Ngọc hiện là học sinh lớp 12 nên có “ghiền” lắm cũng chỉ tự cho mình chơi cờ trên mạng 3 buổi/tuần, chủ yếu “dợt” thể loại cờ đánh nhanh và chớp.

Làm quen với “món” này từ năm 1998 trong thời gian tập huấn ở Hungary, Đại KTQT Nguyễn Anh Dũng luôn trung thành với trang playchess.com vì: “Mình lên mạng chơi cờ chỉ mục đích duy nhất là tập luyện, nên có một nick để rèn luyện thôi cũng hết thời gian rồi; hơn nữa qua trang web khác thì lại phải làm quen với... giao diện mới, mất thời gian lắm”. Đặc biệt, do có danh hiệu Đại KTQT nên anh không chỉ được chơi miễn phí mà còn được cho tiền vì trên mạng cũng tổ chức thi đấu với các Đại KTQT, người chơi đóng lệ phí và Đại KTQT được thưởng nữa. Anh Dũng cho biết: “Họ sẽ trả tiền vào tài khoản của mình ở ngân hàng. Số tiền này là thật, nhưng mình không được nhận tiền mặt mà chỉ sử dụng tiền để mua hoặc làm cái gì đó và cũng không được rút ra”. Đại KTQT nữ (WGM) Hoàng Thị Bảo Trâm mới chơi cờ trên mạng 2 năm nay, nhưng do phải thường xuyên tập huấn ở Trung tâm HLQG 2 (chưa có đường truyền internet riêng) nên Trâm cũng không được “luyện công” kỹ lưỡng, vì “thật khó đánh đấm gì ở quán internet công cộng quá đông đúc” – Trâm tiếc rẻ.

Nghề chơi: được, mất là do… mình
Các “cao thủ” của chúng ta đều thừa nhận chơi cờ trên mạng cũng là một biện pháp tập luyện học hỏi với các cao thủ quốc tế. Liêm, Thông đều không hiếm dịp gặp các kỳ thủ tốp đầu TG, thậm chí có khi Liêm còn bị một kỳ thủ Nhật “máu mê” đến độ mắng Liêm là “chết nhát” khi Liêm đề nghị kết thúc cuộc chơi mà anh chàng này chưa muốn. Từ Hoàng Thông “bật mí” là nhờ lý lịch chuyên môn tự giới thiệu trên mạng cũng như gặp gỡ nhiều người chơi cờ “năm châu, bốn biển” mà Thông có thêm nghề tay trái là dạy cờ qua mạng (30-40 USD/giờ) cho các VĐV nghiệp dư tại Mỹ, Israel... Nhưng đi kèm với tiện ích này cũng có không ít cảm giác “sao sao” ấy, như Bích Ngọc nhìn nhận: “Đánh trên mạng khó có tâm lý thi đấu thật sự, thay vì nhìn bàn cờ thì nhìn màn hình PC đã khác nhau nhiều, chưa kể là không được “soi” đối thủ ngồi đối diện mình”. Vì vậy, Anh Dũng chia sẻ kinh nghiệm chơi (mà học) cờ trên mạng như sau: “Các đấu thủ trên mạng tạo điều kiện cho mình tập luyện những gì mới học trong sách, hoặc thử nghiệm một khai cuộc mới. Tất nhiên, bạn có thể tập luyện những điều này bằng cách đánh cờ với máy (phần mềm cài đặt sẵn) nhưng sẽ mau chán vì máy luôn chính xác và mình hầu như chỉ thua tới hòa”. Nhờ có mục đích tập luyện rõ ràng nên Anh Dũng luôn chọn thời gian một ván cờ là 3 phút, vừa kịp để xử lý tình huống và không bị yếu tố may mắn chi phối nhiều, trong lúc ván cờ 1 phút chỉ mang tính giải trí nhiều hơn. Cả Từ Hoàng Thông lẫn Lê Quang Liêm đều chung suy nghĩ: hạn chế của chơi cờ trên mạng là theo thể loại blitz (cờ chớp) khiến ảnh hưởng đến tập luyện cờ tiêu chuẩn. Lê Quang Liêm lý giải: “Đây không nên là phương pháp tập luyện thường xuyên vì thiếu cảm giác thi đấu thực tế, mà nên xem là biện pháp chữa cháy trong tập luyện, nhất là với những ai ít có điều kiện thi đấu. Mỗi ngày, tôi chơi cờ trên mạng khoảng 3 giờ thôi”.

Thực ra, do “cao thủ” không muốn phí hoài thời gian nên chuyện chơi cờ qua internet mới đâm ra… rắc rối như trên vừa nêu. Còn nếu bạn chỉ là người chơi cờ cho thỏa thích đam mê, thì hãy mạnh dạn click “chuột”, bởi biết đâu có dịp so tài với các Đại KTQT Lê Quang Liêm, Nguyễn Anh Dũng, Từ Hoàng Thông nhỉ.

Chơi cờ vua ở website nào?
+ Giải trí, nghiệp dư:
- www.iwin.com
- www.yahoo.com

+ Năng khiếu quận (huyện), tỉnh (thành), VĐV chưa có danh hiệu KTQT:
- www.playchess.com

+ Chuyên nghiệp, đỉnh cao:
- www.chessclub.com
Mạng này phải đóng tiền khi muốn tham gia, nhưng các kỳ thủ có danh hiệu KTQT (IM) trở lên thì được miễn phí.

VĨNH LINH sưu tầm


Bài và Ảnh: Thục Oạnh
  Forum: Diễn Đàn Việt Nam · Post Preview: #9731 · Replies: 7 · Views: 22,271

cchessfan
Posted on: Nov 9 2007, 11:05 AM


Advanced Member
***

Group: Members
Posts: 84
Joined: 29-March 06
Member No.: 2,591


QUOTE(ao_dai @ Nov 5 2007, 11:50 AM) *
Cám ơn cchessfan và các bạn đã hỏi thăm !

Hiện tại lớp cờ qua mạng của Bang_Huu vẫn đang hoạt động bình thường, tuy số lượng người học ít do Bang_Huu không sắp xếp nổi thời gian để dạy nhiều. Trình độ của lớp cờ mới chỉ ở mức cơ bản tuy nhiên các bạn học đều cảm thấy là lên cờ rõ rệt, biết chơi khai cuộc bài bản. Học phí cũng không nhiều ( chỉ có 300.000đ/tháng ) nhưng cũng là nguồn kinh phí để giúp duy trì Kỳ Đài Bằng Hữu.

cchessfan có thể liên lạc với Bang_Huu qua số ĐT: 0913901117 để trao đổi riêng.

Bang_Huu


Cám ơn anh Bằng Hữu.

Để bữa nào mình sẽ ghé qua chổ quán anh chơi vào ngày thường nghĩ phép (vì T7 và CN thường cũng bận rộn lắm). Không cần hẹn trước đâu để về mình còn viết bài cãm nhận riêng của mình nữa. Hehe !!!

Gặp nhau một lần thì dể rồi, còn có thành tri kỹ không chắc cũng phải chờ chử Duyên.

Thân
  Forum: Diễn Đàn Việt Nam · Post Preview: #9694 · Replies: 7 · Views: 22,271

4 Pages V   1 2 3 > » 

New Posts  New Replies
No New Posts  No New Replies
Hot topic  Hot Topic (New)
No new  Hot Topic (No New)
Poll  Poll (New)
No new votes  Poll (No New)
Closed  Locked Topic
Moved  Moved Topic
 

- Lo-Fi Version Time is now: 28th March 2024 - 02:13 PM