IPB

Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Hồ Bắc Môn, Chỉ là cóp nhặt anh em đọc cho đỡ buồn,hehe
Internazionale
post Sep 29 2008, 07:32 AM
Post #1


Advanced Member
***

Group: Members
Posts: 437
Joined: 12-July 05
Member No.: 1,233



Nằm giữa Trung Nguyên trù phú,quanh năm mây khói mơ màng ,xuôi theo dòng nước về mạn Bắc hồ Động Đình rộng hơn 800 dặm là đến địa giới của tỉnh Hồ Bắc.Hơn năm mươi năm về trước cũng từ nơi đây,Lý Nghĩa Đình-vị kỳ vương thứ 2 trong lịch sử cờ tướng Trung Quốc đã bắt đầu ra đi,mở đầu con đường bôn ba khắp nước để đánh cờ và kết bạn.Thuở còn ở quê nhà Lý Nghĩa Đình sớm đã nổi danh là 1 “thần đồng” xuất chúng trong đám bạn bè cùng trang lứa.Lý Nghĩa Đình sinh năm 1937 người thành phố Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc,được cha dạy cờ từ năm lên 6 tuổi.Bằng tài năng thiên bẩm,kỳ nghệ thăng tiến cực nhanh.Sau này lại gặp La Thiên Dương tiên sinh,vốn là 1 danh thủ tiếng tăm lừng lẫy,chỉ bảo thêm cho nên chỉ trong 1 thời gian ngắn sức cờ đã có thể ở hàng “thiên hạ không có mấy ai”.Năm Lý Nghĩa Đình mới 16 tuổi,một lần do có việc đi xa nên danh thủ Tằng Ích Khiêm của Quảng Châu kỳ hội đã qua Hồ Bắc ghé thặm bạn mình,nhân đây thấy Lý Nghĩa Đình đang chơi cờ.Quan sát vài lần đã phải buột miệng mà nói rằng “mới gặp lần đầu mà như đã là danh tướng sau này chắc sẽ thuộc hàng quốc thủ,không thể nghi ngờ gì thêm nữa”.

Lý Nghĩa Đình bản tính ổn hoà có kỹ thuật chơi cờ siêu việt,không chỉ tam tài khai trung tàn cuộc,kết hợp tài tình cương nhu biến hoá.Lúc phòng thủ thì ổn định vững chãi,khi tấn công thì nhanh nhẹn,dứt khoát.Sở trường là linh ứng vạn biến, đường cờ thâm thuý sâu xa giống như Trường Giang mênh mông mà sóng lớn.Năm 17 tuổi,Lý Nghĩa Đình đi giang hồ đến bến Thượng Hải.Tại đây,Lý ghi tên công đài của kỳ đài trong khu Đại Tân Du Lạc Trường trước sự chứng kiến của nhiều người hâm mộ.Lý Nghĩa Đình cầm quân đỏ đi tiên giao chiến với đối thủ cầm quân đen Hậu thủ là Đệ nhất cờ Hoa Nam,Ma kỳ Dương Quan Lân.Hai bên giao đấu kịch liệt trong 4 ván,kết quả mỗi người 2 thắng,2 thua bất phân thắng bại,bắt tay cười nói vui vẻ.Những ngày tiếp theo đó,Lý bôn ba khắp hang cùng ngõ hẻm của đất Thượng Hải đấu cờ với các cao thủ địa phương và liên tiếp giành nhiều chiến thắng vang dội.Từ đó trở đi cái tên Hồ Bắc Lý Nghĩa Đình bắt đầu trở nên nổi tiếng.

Năm 1956,Giải vô địch cờ tướng toàn Trung Quốc lần đầu tiên được tổ chức.Lý thay mặt tỉnh mình đi thi đấu và giành được vị trí thứ 4.Hai năm sau tức là năm 1958,sau những chuỗi dài chiến tích huy hoàng,lịch sử cờ tướng Trung Quốc đã lại ghi nhận thêm cái tên của vị kỳ vương thứ 2 của mình,người mà tiếp theo Dương Quan Lân trong các năm 1956,1957 đắc vị đăng quang đó chính là danh thủ trẻ Lý Nghĩa Đình của tỉnh Hồ Bắc.Năm ấy,Lý Nghĩa Đình mới 21 tuổi.Năm 1959,Lý Nghĩa Đình tái đấu Dương Quan Lân,thất bại nên chỉ giành được vị trí Á quân,tuy vậy tên tuổi của Lý Nghĩa Đình đã được rất nhiều người biết đến và xếp vào hàng ngũ Tượng kỳ quốc thủ như lời tiên đoán trước đây của Tằng Ích Khiêm.Năm 1961,Lý Nghĩa Đình kỳ nghệ uy phong giành ngôi vị quán quân giải kỳ vương 6 thành phố lớn,một năm sau đó lại giành thêm được vị trí cá nhân thứ 3 toàn Trung Quốc sau Hồ Vinh Hoa và Dương Quan Lân.Suốt từ năm 1962 cho đến 1966,ông đều luôn có mặt trong số 6 người dẫn đầu của kỳ đàn Trung Hoa.

Sau năm 1966,cách mạng văn hóa nổ ra.Cờ tướng bị liệt vào danh sách Tứ cựu cần phải loại bỏ,tất cả các cuộc đấu cờ quốc gia bị đình chỉ.Kỳ đàn Trung Quốc tạm ngưng hoạt động.Lý Nghĩa Đình cũng vì thế mà gác kiếm phong đao từ bỏ nghiệp cờ chuyên nghiệp,không còn tham gia các giải đấu lớn sau này mà chuyển sang viết báo,sưu tầm và nghiên cứu kỳ nghệ trong dân gian,lại chẳng quản đường xa, đi khắp đó đây,đánh cờ kết bạn lấy đó làm niềm vui thích.Trong thời gian này,Lý Nghĩa Đình đã viết lên tác phẩm “ Trung pháo tuần hà pháo đối Bình Phong Mã “ rất có giá trị thực tiễn, được giới cờ đón nhận và các vị kỳ vương Trung Quốc sau này rất hay dùng đến. Đến những năm đầu thập kỷ 90,Lý Nghĩa Đình lại được bầu làm Phó chủ tịch hiệp hội cờ tướng tỉnh Hồ Bắc,trưởng ban Huấn luyện đội tuyển cờ tướng Hồ Bắc,phụ trách công tác đào tạo tài năng trẻ cho tỉnh mình.

Sau thời kỳ thành danh của Lý Nghĩa Đình vào những năm cuối của thập kỷ 50 thì phải đến 2o năm sau,Hồ Bắc mới xuất hiện thêm 1 vị kỳ vương nữa.Người này xuất sinh ở huyện Hoàng Bi tỉnh Hồ Bắc tên gọi Liễu Đại Hoa.Khi Lý Nghĩa Đình đạt đến tột đỉnh vinh quang thì họ Liễu mới chỉ là 1 chú bé 9 tuổi còn chưa biết gì nhiều về kỳ nghệ.Năm 13 tuổi,Liễu Đại Hoa được gọi vào đội tuyển thiếu niên của tỉnh Hồ Bắc đánh dấu bước đường đầu tiên trên con đường sự nghiệp trải nhiều vinh quang và cũng lắm thăng trầm của đời mình.Liễu Đại Hoa nổi tiếng là người thông minh tuyệt đỉnh,có trí nhớ phi phàm,là kỳ thủ có khả năng tư duy logic rất đáng sợ có thể đánh nhiều bàn cờ cùng lúc với tốc độ đi cờ cực nhanh mà ít khi bị sai sót.Năm 1974,khi đã 24 tuổi Liễu Đại Hoa mới chính thức tham chiến tại các giải đấu quốc gia.Năm 1978,Liễu Đại Hoa lần đầu tiên có mặt trong bảng vàng tam khôi toàn quốc khi đứng ở vị trí thứ 3 chung cuộc.

Năm 1979,trong cuộc đấu ở giải Đại Hội TDTT toàn quốc trong khi ưu thế lại đi những nước cờ tàn không được thoả đáng, đau lòng mất đi cơ hội đăng quang.Năm đó Hồ Vinh Hoa hoàn thành bá nghiệp 10 năm được giới cờ xưng tụng là Thập liên bá chủ.Năm 1980,sau khi về Hồ Bắc,tự mình đóng cửa luyện công,cuối cùng trải qua nhiều gian khó,tàn cuộc đã ở mức thượng thặng tối cao,Liễu Đại Hoa quyết chí báo thù tại giải cá nhân toàn quốc, nhờ tài năng vượt bậc mà lần đầu tiên trong vòng 20 năm qua giới cờ Trung Quốc mới có người hạ bệ được Tiên kỳ Hồ Vinh Hoa để bước lên ngôi vị cao nhất của kỳ đàn Trung Quốc,người đó không ai khác chính là Liễu Đại Hoa của Hồ Bắc.Bắt đầu từ đây cục diện Chiến quốc tranh hùng rực rỡ đã được mở ra trong suốt những năm thập niên 80 và những năm đầu thập niên 90 kế tiếp.

Chiến công nối tiếp chiến công, đến đầu năm 1981,Giải đấu quán quân Ngũ Dương Bôi lần đầu tiên được tổ chức ở Quảng Châu,Liễu với tư cách là ĐKVĐ Trung Quốc đã được mời thi đấu,và không phụ lòng người hâm mộ tỉnh nhà,Liễu Đại Hoa với nội công tuyệt luân đã đắc vị đăng quang dẹp bỏ nhiều lời bàn tàn không hay để bước lên ngôi vị cao nhất của giới cờ Trung Quốc.Sau đó vào mùa thu năm 1981,Liễu Đại Hoa bảo vệ thành công danh hiệu quán quân,tên tuổi bay xa ngoài đại lục.Từ đó Liễu Đại Hoa luôn có mặt trong thành phần đội tuyển Trung Quốc khi thi đấu nước ngoài.

Năm 1988,Liễu Đại Hoa đại diện cho Trung Quốc thi tài tại giải đấu quốc tế tranh cúp Thất Tinh Bôi và giành được ngôi vị quán quân.Sang đến những năm đầu của thập kỷ 90,phong độ có phần suy giảm đã không còn làm mưa làm gió như trước đây nhưng Liễu vẫn đủ công lực giành thêm 3 lần vô địch giải Ngân Lệ Bôi vào các năm 1991,1993 và 1997. Đặc biệt vào năm 1997,tại giải cờ nhanh toàn Trung Quốc cúp Trung Lập Bôi,Liễu đã vào đến Bán kết.Bốc thăm Liễu gặp Hứa Ngân Xuyên của Quảng Đông.Ai cũng nghĩ Liễu sẽ thua vì Hứa Ngân Xuyên đang có phong độ tốt lại nhiều lần thắng Liễu trong quá khứ.Tuy nhiên với kết quả 1 thắng 1hoà Liễu đã loại đươc Hứa,lọt vào Chung kết gặp lại Lữ Khâm.Dù ván đầu trong thế đi sau nhưng Liễu vẫn ung dung thủ hoà,tuy vậy đến ván thứ 2 đáng tiếc lại để thua nên chỉ đứng ở vị trí Á quân toàn giải.Liễu Đại Hoa không chỉ nổi danh với kỹ thuật cờ nhanh xuất chúng mà tài nghệ bịt mắt đánh cờ cũng là 1 công phu vô cùng đáng nể.Năm 1995,Liễu Đại Hoa từng chơi cờ mù với 19 người mà vẫn đạt thành tích xuất sắc, được giới cờ đặt cho biệt danh là “Đông Phương Điện Não”.Tháng 5 năm 2007,khi đã 57 tuổi,Liễu Đại Hoa tại Thuận Đức,Quảng Đông đã chơi cờ chấp 139 người cùng một lúc.Kết quả Liễu thắng 83,hoà 47 và chỉ để thua 9 trận.Công lực xem ra vẫn nguyên vẹn. Đến cuối năm 2007,Liễu Đại Hoa bất ngờ được cử đi làm đại diện của Trung Quốc ngồi bàn với Lữ Khâm đánh tại nội dung cờ đồng đội đôi Nam đoạt được HCV tại giải Asian Indoor Games 2.Hiện nay trong tư cách HLV trưởng đội tuyển cờ tướng Hồ Bắc,Liễu Đại Hoa đã dẫn dắt Hồ Bắc tham chiến tại giải vô địch quốc gia đạt thành tích tốt.Năm 2005 lần đầu tiên đoạt ngôi vô địch và mới nhất đây là năm 2008 giành được vị trí Á quân sau đội tuyển chủ nhà Quảng Đông.

Liễu Đại Hoa không chỉ được biết đến với tư cách cá nhân là 1 vị kỳ vương Trung Quốc mà bản thân ông với nhiều phương pháp đào tạo khoa học cũng là 1 danh sư trong làng cờ Trung Quốc.Dưới sự rèn luyện của Liễu tiên sinh đã có nhiều cao thủ trẻ xuất thân tại Hồ Bắc đã nổi lên và ngày càng khẳng định tên tuổi và vị thế của mình trên kỳ đàn hiện nay.Người đáng kể đến đầu tiên là vị quán quân thứ 12 trong lịch sử của Trung Quốc và cũng là người học trò ưu tú nhất của ông, Đặc cấp đại sư -Hồng Trí.

Hồng Trí sinh năm 1980 tại thành phố Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc.Hồng Trí theo học Liễu Đại Hoa từ khi còn rất nhỏ.Năm 11 tuổi,Hồng Trí lần đầu tiên đoạt được ngôi vị quán quân giải thiếu niên toàn tỉnh được thầy rất khen ngợi.Sau đó trong 2 năm liên tiếp 1995 và 1996 lại giành được vị trí Á quân giải trẻ toàn quốc.Năm 1996,lần đầu tham gia giải cá nhân toàn quốc giành được vị trí thứ 15 được tấn phong danh hiệu Tượng kỳ đại sư.Năm 1998 tại giải Á Châu Bôi lần thứ 10,Hồng Trí tham gia thi đấu,để thua Nguyễn Thành Bảo của Việt Nam ta nên chỉ xếp thứ 2. Đây là 1 sự kiện đặc biệt khi đấy vì là lần đầu tiên tấm HCV của 1 giải quốc tế tuột khỏi tay người Trung Quốc.Năm 2000,kỳ nghệ có phần thăng tiến khi Hồng Trí giành vị trí thứ 9 giải cá nhân toàn Trung Quốc.Liễu Đại Hoa đánh giá sức cờ Hồng Trí lúc này tương đương danh hiệu Quốc tế đại sư.

Năm 2002,sự biến chuyển bắt đầu.Tháng 9 năm 2002,Hồng Trí bất ngờ giành ngôi Á quân giải đấu Thập lục tinh anh chiến toàn quốc.Sau đó đến đầu năm 2003,Hồng Trí rời Hồ Bắc đến Cát Lâm.Kể từ lúc này,sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp của anh ngày một thăng tiến.Các giải đấu trong nước anh đều tham gia và đạt thành tích xuất sắc.Cuối năm 2004,Hồng Trí đã ở trong Top 10 của Trung Quốc.Năm 2005,tại giải cá nhân toàn quốc,Hồng Trí sau bao sóng gió đã vượt qua rất nhiều kình địch đắc vị đăng quang trở thành nhà quán quân thứ 12 trong lịch sử cờ tướng Trung Quốc, được tấn phong danh hiệu cao nhất Đặc cấp đại sư.Một năm sau đó,với tư cách ĐKVĐ Trung Quốc Hồng Trí tham gia Ngũ Dương Bôi lần thứ 26 và giống như thầy mình năm xưa lại đoạt được ngôi vị quán quân làm nức lòng bao người hâm mộ.Cuối năm 2006 tại giải World Mind Master Cup lần thứ 2 ở Bắc Kinh,Hồng Trí với phong độ xuất thần đã đánh bại Hứa Ngân Xuyên khi này là ĐKVĐ Trung Quốc ở trận Bán kết để lọt vào Chung kết gặp sư đệ Uông Dương,sau cùng thất bại đoạt được ngôi vị Á quân.Năm 2007,Hồng Trí lần thứ 2 chuyển đội.Hồ Vinh Hoa phải sang tận nơi đón Hồng về Thượng Hải.Nhờ có sự giúp sức đáng kể của Hồng,cuối năm 2007,Thượng Hải lên ngôi tại giải vô địch các đội tuyển cờ tướng toàn Trung Quốc năm 2007.Cũng trong năm 2007 này,Hồng Trí cùng Hứa Ngân Xuyên tham gia giải Vô địch thế giới lần thứ 10 ở Ma Cau,Hồng đoạt được ngôi vị Á quân thế giới sau người đồng đội Hứa Ngân Xuyên.Ở Thượng Hải người ta gọi Hồng Trí là “Trung tượng tân thiên vương” đủ biết sức cờ của anh lúc này là không phải bàn cãi.Giữa Hồng Trí của những năm 2000 và Hồng Trí giờ đây là 1 khoảng cách hoàn toàn khác biệt !.

Đến năm 2008 sau khi cùng Thượng Hải đoạt được vị trí thứ 3 giải các đội tuyển toàn quốc thì đến tháng 7 năm 2008,tại giải “Đạo tuyền Trà Diệp Bôi 2008”,Hồng Trí đoạt được ngôi vị quán quân.Sang đến tháng 9 năm 2008,Hồng Trí lại trúng tuyển đội tuyển quốc gia được cử làm đại diện Trung Quốc thi đấu tại Đại Hội thể thao trí tuệ toàn cầu lần thứ 1 ở Bắc Kinh vào đầu tháng 10 sắp tới đây.Trên bảng xếp hạng cá nhân hiện nay Hồng Trí xếp thứ 3 với 2619 điểm.

Không chỉ có Hồng Trí mới làm cho tên tuổi của Liễu Đại Hoa tiên sinh trở nên rạng rỡ đúng với câu nói của các bậc tiền nhân xưa là “Danh sư xuất cao đồ” thì người sư đệ kém anh 4 tuổi là Uông Dương cũng đã không phụ lòng thầy,giờ đây đã trở thành 1 trong những tay cờ xuất sắc nhất của Trung Hoa đương đại được liệt vào hàng “Thất hùng” với công phu thượng thặng,nội lực tuyệt luân của kỳ đàn Trung Quốc.

Uông Dương sinh năm 1984,người huyện Hán Xuyên tỉnh Hồ Bắc.Năm 12 tuổi được Liễu Đại Hoa thu nhận làm đệ tử truyền dạy tuyệt kỹ công phu.Năm 1998,Uông Dương giành được vị trí thứ 3 giải thiếu niên toàn quốc.Năm 2001,khi mới 17 tuổi,Uông Dương đã biểu hiện tài nghệ tuyệt vời khi vượt qua tất cả các bậc đàn anh để giành ngôi vị quán quân toàn tỉnh Hồ Bắc.Tên tuổi của Uông Dương bắt đầu được kỳ đàn chú ý.Một năm sau đó,Uông Dương bắt đầu thi đấu tại các giải quốc gia.Thành tích đầu tiên là đoạt được ngôi vị Á quân giải Tượng kỳ nhất cấp toàn quốc.Từ năm 2003 đến năm 2004,kỳ nghệ của Uông Dương càng ngày càng tiến. Đến đầu năm 2004 đã xếp trong Top 30 của Trung Quốc.Mùa thu năm 2004,Uông Dương được phong danh hiệu Tượng kỳ đại sư và được mời tham gia giải đấu Dương Quan Lân Bôi lần thứ 1.Tại giải đấu này,Uông Dương xuất chiến uy phong,kỳ nghệ thăng hoa vượt bậc đoạt được ngôi vị quán quân.Hồng Trí khi đó là đại sư huynh công lực đã rất thâm hậu rồi những cũng tỏ ra e ngại.Liễu Đại Hoa thấy Uông Dương ngày 1 tiến bộ rất lấy làm mừng.Năm 2005,Uông Dương tham gia đội Hồ Bắc thi đấu tại giải vô địch các đội tuyển chuyên nghiệp toàn Trung Quốc và đã giúp Hồ Bắc lần đầu tiên trong lịch sử đoạt được ngôi vị quán quân. Đến tháng 9 năm 2005,Uông Dương tham gia giải cá nhân toàn quốc,liên tục dẫn đầu trong nhiều vòng liên tiếp.Nhưng rồi trong cuộc đụng độ tay đôi đầy duyên nợ này giữa 2 kỳ phùng địch thủ là Uông Dương và Hồng Trí,Uông Dương đã thất bại,chỉ về đích ở vị trí thứ 4,còn Hồng Trí sau đó đã nhờ thế mà lên ngôi. Đây quả là 1 điều đáng tiếc với tay cờ trẻ này !.

Không nản chí,một năm sau đó,tại giải World Mind Master Cup 2006 lần thứ 2 được tổ chức ở thủ đô Bắc Kinh,sau khi đã loại được “Dương Thành thiếu soái” Lữ Khâm ở trận Bán kết 2 cùng Hồng Trí làm nên cuộc lật đổ ngoạn mục của Hồ Bắc môn trước cặp đội Lĩnh Nam song hùng (Hứa Ngân Xuyên-Lữ Khâm) lừng lẫy tiếng tăm của đất cờ Quảng Đông.Hai con người này lại tái ngộ trong trận Chung kết.Rút ra bài học từ ván đấu để đời năm trước,Uông Dương đã thi đấu hết sức xuất sắc hạ được Hồng Trí để giành ngôi vị quán quân toàn giải với số tiền thường rất lớn.Đây đúng là sự trả thù ngọt ngào của Uông Dương dành cho Hồng Trí .Kể từ đây mỗi lần gặp lại Hồng Trí,Uông Dương đều có phần nhỉnh hơn.Năm 2007,Uông Dương từ biệt Hồ Bắc chuyển sang thi đấu theo lời mời của Hạ Môn.Và với tài năng của mình,Uông Dương đã cùng với Hạ Môn bất ngờ leo lên vị trí thứ 2 toàn Trung Quốc tại giải vô địch các đội tuyển cờ tướng chuyên nghiệp quốc gia.Cuối năm 2007,Uông Dương được cử tham gia Asian Indoor Games 2 tại Ma Cau (Trung Quốc) ở nội dung cờ nhanh,và không phụ lòng tin của giới hâm mộ,Uông Dương giành được tấm HCV một cách đầy thuyết phục.

Sang đến năm 2008,Uông Dương trở lại Hồ Bắc thi đấu cho đội nhà.Cùng với Liễu Đại Hoa,Lý Trí Bình,Lý Thuyết Tùng hợp thành 1 bộ tứ ăn ý, đánh đông dẹp bắc giành được ngôi vị Á quân giải vô địch các đội tuyển chuyên nghiệp quốc gia năm 2008.Cá nhân Uông Dương đã lập không biết bao nhiêu chiến tích,công lao hãn mã cho đội,trong 22 lần xuất chiến của Hồ Bắc không lần nào là thiếu vắng Uông Dương.Thành tích cuối cùng của anh được giới cờ đánh giá rất cao khi có tới 11 trận thắng,11 trận hoà và không thua ván nào.Uông Dương được bầu là kỳ thủ xuất sắc nhất giải. Đến tháng 6 năm 2008,Uông Dương với 2598 điểm xếp thứ 6 trên Bảng xếp hạng chung của kỳ đàn Trung Quốc.Theo đánh giá thì sức cờ hiện nay của Uông Dương thuộc một trong “Thất hùng “ của Trung Quốc.

Chỉ có 1 điều đáng tiếc nho nhỏ dành cho Uông Dương là dù được các chuyên gia đánh giá cao như thế,nhưng đến nay Uông Dương vẫn chưa được tấn phong danh hiệu cao quý nhất của thế giới kỳ nghệ là “Đặc cấp đại sư” và cũng chưa 1 lần đăng quang đắc vị quán quân tại các giải cá nhân toàn quốc.Tháng 3 năm 2008 tại Bắc Kinh,trong cuộc đấu thăng cấp “Uy Khải Phòng Địa Sản Bôi 2008”,Uông Dương chỉ về đích ở vị trí thứ 2 chung cuộc sau Tạ Tịnh của Thượng Hải nên không được tấn phong vì anh không có được sự giúp sức đắc lực của các kỳ thủ trong đội.Năm 2005,anh cũng mất ngôi quán quân toàn quốc vào tay Hồng Trí chỉ vì thất bại trong 1 trận đấu duy nhất là cuộc đối đầu với sư huynh Hồng Trí.Mong rằng trong thời gian tới đây,Uông Dương vẫn giữ được phong độ,rồi 1 lúc nào đó thăng hoa đạt được mơ ước trở thành Đặc cấp đại sư và quán quân toàn quốc. Đúng như câu nói:”“Trường Giang sóng nối sóng,Bắc Hồ phượng hoàng bay !”.Tháng 9 năm 2008,Uông Dương trúng tuyển đội tuyển quốc gia, được đại diện cho Trung Quốc thi đấu tại Đại Hội Thể Thao Trí Tuệ toàn cầu lần thứ nhất được tổ chức ở thủ đô Bắc Kinh trong những ngày tháng 10 sắp tới đây.
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
1 User(s) are reading this topic (1 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



- Lo-Fi Version Time is now: 28th March 2024 - 03:09 PM