IPB

Welcome Guest ( Log In | Register )

 
Reply to this topicStart new topic
> Câu chuyện cờ tướng !!!
SKELETON
post Mar 23 2009, 03:13 AM
Post #1


Advanced Member
***

Group: Members
Posts: 250
Joined: 26-January 05
Member No.: 352



Thanh Niên Online - Thứ Hai, 23/3

Bạn có biết thế nào là chơi cờ tướng không? Chắc chắn khi tôi hỏi câu này, nhiều người sẽ bảo: chơi cờ tướng dễ ợt, hoặc chuyện chơi cờ tướng thì có gì lạ đâu, chỉ hỏi qua một lúc là biết. Nào con mã con pháo con xe con tốt, ai mà không biết chứ. Nhưng tôi vẫn sẽ bảo là bạn chưa biết một tí gì về chuyện này, chưa biết thế nào là cái cụm từ chơi cờ tướng của tôi.
Trong cái thế giới mà chúng ta đang tồn tại, nhiều cái cứ trôi qua trước mắt, ngay cả khi nó nằm trong tầm tay chúng ta, chúng ta vẫn cứ không biết gì về nó.

Tôi chẳng biết gì về cờ tướng, không phải tôi dốt đường chơi, nhưng tôi vẫn cứ không biết gì về cả bộ cờ lẫn cách đi quân cờ. Hằng ngày tôi vẫn cất hai bộ cờ màu đỏ và màu trắng vào hai cái hốc tủ để sách, tủ này được đóng bằng gỗ dán rất mỏng, chừa một ngăn cho hai bộ cờ. Bộ màu trắng bị mất một con tốt. Còn bộ màu đỏ hôm mua chính tôi mở ví trả tiền. Có lúc tôi cũng định học chơi cờ một cách nghiêm túc, nhưng một người đàn bà trẻ lắc đầu, bảo đừng. Tôi phì cười: Nếu trong nhà tôi có hai người ngồi chơi cờ thâu đêm suốt sáng thì chị nghĩ sao? Cũng khá ấn tượng đấy chứ? Cô ta im lặng.
Lúc đó mưa đang rơi.

Chồng tôi và chồng cô ta ngồi trên vỉa hè đánh cờ.
Con phố nhỏ người qua người lại hôm đó không đông như mọi ngày. Vì mưa đang rơi và gió đầu năm còn khá lạnh. Họ ngồi từ trưa, lúc mặt trời bắt đầu đứng ở trục giữa. Ăn cơm trưa xong là chồng tôi bắt đầu đi bộ ra cái vỉa hè phía bắc quán nhà. Khi ấy chồng cô ta đang đánh ván thứ bao nhiêu với một tay khùng khùng ở khu phố. Tay khùng khùng cãi ông ăn gian thì có. Chồng cô ta hất bàn cờ, phá tan thế cờ sắp thua đậm. Chồng tôi can ngăn và ngồi xuống tỉ thí với người đàn ông này. Lúc đó nắng mùa xuân đang bừng sáng cả khu phố, nắng bắt đầu đứng chính giữa cây cơm nguội đang xòe những nụ xanh che khuất cành trên cành dưới khẳng khiu thì chồng tôi ngồi xuống. Khí lạnh chạy luồn qua những bờ tường rồi ẩn sâu dưới những cái cống thối đầy bọ gậy. Nắng làm tôi vui hẳn lên vì quán cà phê bắt đầu đông khách. Chồng tôi ăn xong thì bảo, ra đây một tí. Tôi chưng hửng vì lúc nào cũng nghĩ anh là một tay chủ quán không tồi. Lẽ ra anh đã có thể đứng bên cái lin-ga úp ngược đặt sát quầy bar, tay chắp sau lưng quan sát khách đang kéo lên gác, rồi đoán định được ý muốn của khách, gọi nhân viên phục vụ, đưa mắt kiểm soát việc pha chế. Lẽ ra... Nhưng anh bảo, mình lo quán nhé, ra đây tí.
Một tí của anh kéo dài từ trưa hôm đó, thứ ba ngày mười sáu tháng ba cho đến hai hôm sau, trưa thứ năm ngày mười tám tháng ba.

Hôm đó chồng tôi mặc rất đẹp. Anh mặc bộ com-lê kiểu mới màu ghi đen, xỏ đôi giày da màu đen hàng hiệu tôi mua ở Seoul về năm ngoái. Mái tóc anh mềm mại hất lên trán. Nom như một chàng thư sinh chưa vướng bận gia đình. Chồng cô ta như tay lái lợn, cái áo sơ-mi nhàu nát màu cháo lòng, tóc tai bờm xờm như kiểu ngủ dậy chưa chải, mắt long sòng sọc, còn mũi thì khịt khịt. Tôi vẫn gọi gã là con chim lợn. Nhìn hai người hai bên bàn cờ thật không tương xứng. Họ cùng ngồi xổm, sau thì ngồi lên cái cục gạch nhặt bên chân tường. Xong lại nhấp nhổm đứng duỗi chân lên cho đỡ mỏi, lưng cong vít xuống cắm mặt vào bàn cờ, nghĩa là cái mông thì chổng cả ra hè phố. Tôi lấy xe máy, lượn qua lượn lại ngắm chồng đánh cờ, tôi chẳng hiểu mà cũng không thể đến gần cái đám đông đang xúm xít xung quanh đám cờ toàn đàn ông con trai, trẻ già trông đều nhếch nhác kia. Tôi liếc vào, chẳng biết tốt xe pháo mã thế nào, chỉ thấy chồng mặc com-lê xa lạ hẳn với đám đông, mông cứ nhấp nhổm chìa ra hè phố.
Đến chiều xẩm, quán vắng lặng hẳn. Ai nấy đều đến giờ về nhà ăn cơm. Tôi lấy di động nhắn tin: Mình về ăn cơm. Máy rung lên câu trả lời: OK.
Tôi nhìn ra trước cửa quán. Vợ con chim lợn đang đứng cạnh cái xe Attila màu trắng sữa, tóc quăn bay bay trong làn mưa bắt đầu phả xuống. Cô ta đang nhắn tin. Tôi nghĩ cái tin ấy cũng như tin của tôi, hoặc thiết tha hơn: Anh về ăn cơm với em.
Chúng tôi cùng đợi. Từng thời khắc bay qua mái nhà, xuyên qua làn mưa bụi. Kim đồng hồ cứ chuyển dịch dần. Đôi lúc tôi bắt gặp cô ta đang ngước lên quán nhìn tôi đang ngồi đợi chồng bên cửa sổ; hoặc cô ta đã bắt gặp tôi liếc nhìn cô ta đang đứng chờ chồng dưới đường. Cho đến lúc đó chúng tôi chưa hề quen nhau.
Hai ba cái tin nhắn nữa được chuyển đi. Chỉ thêm một cái OK được nhận về, rồi im lặng. Tôi gọi. Chồng tôi gắt vào máy: Ăn trước đi. Tôi cố vớt vát: Mình sắp xong chưa? Giọng chồng tôi dịu xuống: Sắp.
Tôi đi ra vỉa hè, nơi có bàn cờ và hai người đang chơi cờ. Màn đêm đã buông xuống cùng những làn mưa rơi mỗi lúc mỗi dày. Trên vỉa hè đèn đường đỏ quạch. Những tán lá bằng lăng không đủ làm dù che. Hai người đàn ông ngồi dưới màn mưa mải miết. Lưng áo com-lê đã ngấm mưa. Đôi giày da loáng nước. Tôi ngồi xuống bên cạnh anh. Khi đó con chim lợn húng hắng ho. Xung quanh hai người đàn ông là những đống đầu mẩu thuốc lá. Tôi gạt chúng sang hai bên, lót dép ngồi xuống vỉa hè ướt nhẹp, cạnh chồng.
Bạn tôi bảo: Chồng mày mê cờ thế, đỡ mê thứ khác. Một chị cùng cơ quan bảo tôi, cứ kệ nó, còn hơn đi chơi ở đâu đâu, chơi cờ còn là môn chơi trí tuệ. Tôi cũng bảo vợ con chim lợn thế. Nhưng cô ta cười khẩy: Ngu xuẩn, là tôi nói tôi, không phải bảo chị. Tôi hỏi: Sao lại cho mình ngu xuẩn? Cô ta đáp: Thì ban đầu tôi cũng nghĩ như họ, nên còn khuyến khích cho chơi. Tôi bảo: Tôi còn bỏ tiền mua bàn cờ cho chồng. Nhưng lúc đó tình thế làm tôi phải bỏ tiền chứ không phải chiều chồng. Cô ta bảo: Dù chị có cho anh ấy chơi hay không thì anh ấy cũng cứ chơi, không ngăn được đâu.
Chồng tôi kể, khi còn nhỏ, mới mười hai mười ba, lẽ ra theo đám bạn cùng lứa chơi trận giả hay đi hái trộm hoa quả trong vườn nhà hàng xóm, thì anh lại ngồi chơi cờ với các cụ trong đội cờ của làng. Chồng tôi mê nghề luật sư. Nhưng nhà nghèo quá, đành xung phong đi lính, mong vào lính rồi thì sẽ được đi học trường sĩ quan. Lúc lên đơn vị, trong ba lô của anh căng phồng toàn sách học tiếng Anh. Nhưng rồi anh cũng chẳng được cấp trên cho đi học. Hết chiến tranh, ở đâu cũng có tiêu cực phí. Anh ngồi chơi cờ giết thời gian với chỉ huy.
Ra quân, anh về thi đại học. Nỗi nhớ cờ ngấm vào gan ruột.
***

Vợ đối thủ của chồng tôi chống xe máy sát vệ đường, cũng ngồi xuống cạnh chồng cô ta, như tôi. Chúng tôi ngồi im lặng như thế qua đêm, cho đến khi những con chuột cống lấp loáng nước bò ra kiếm mồi vào tang tảng sáng, khi những gánh hàng sớm ngang qua.
Lúc đó, những giọt nước mưa cũng đã len lỏi vào tim tôi lạnh cóng. Tóc tôi bết nước mưa, nước mưa chảy xuống áo tôi thành dòng.
Tôi bảo chồng tôi: Nếu người ngồi bên cạnh mình là một người khác người ta, chắc mình cũng không để ý.
Tôi lại bảo: Nếu ngồi ăn cơm cùng mình là người khác người ta, chắc mình cũng không để ý.
Im lặng một lát, tôi lại bảo: Nếu người ấy có giận mình như người ta từng giận mình, mình cũng đừng chấp nhé. Đàn bà ai cũng muốn được chồng để ý.
Tôi lại kiên nhẫn bảo: Nếu người ấy bảo mình ngẩng lên nhìn ra thế giới loài người, để biết từng thời khắc trôi qua, để biết nắng, mưa, gió, bão, để biết cái nhà hàng xóm đang tìm cách cấu dần hết vồng cây nhà mình, để biết ngày ấy giờ ấy cần phải đi từ giã một người tốt mới vừa qua đời... để biết như tất cả mọi người không chơi cờ tướng, thì mình hãy lắng nghe nhé.
Tôi nói câu đó là lúc đến ván cờ thứ bao nhiêu rồi. Đã qua hai ngày hai đêm chồng tôi không về nhà, không ăn, không ngủ. Chúng tôi cùng ngồi bên nhau bên cạnh bàn cờ. Cả tôi và người phụ nữ tóc xoăn. Chân mỏi nhừ, lưng tê dại. Bụng không còn cảm giác muốn ăn. Mà cho đến lúc ấy tôi vẫn không hiểu tí gì về cách chơi cờ tướng. Chẳng hiểu vì sao họ lại có thể say mê và kiên nhẫn một cách đáng sợ như vậy.
Tôi bỗng thấy anh hét lên: Vớ vẩn!
Bàn cờ màu đỏ ướt nhẹp trong khoảnh khắc bị hất tung. Quân cờ vung vãi. Gã đàn ông kia gào lên câu gì đó. Mặt hai người đàn ông lúc đó không có tí máu nào.
Tôi và cô ta nhìn nhau căm ghét.
Tôi hét lên: Đồ chim lợn thối tha!
Cô ta cũng không chịu kém: Đồ thiu, đồ giả nhân giả trí.
Tôi nghe bên tai tiếng chồng: Cô cút ngay. Cứ bám theo tôi ra đây làm gì.
Khi ấy mưa vẫn không ngừng rơi.
Mưa rơi đã hai ngày hai đêm rồi mà bầu trời trên cao vẫn còn nặng trĩu.
Võ Thị Xuân Hà
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Internazionale
post Mar 23 2009, 06:45 AM
Post #2


Advanced Member
***

Group: Members
Posts: 437
Joined: 12-July 05
Member No.: 1,233



Vì những chuyện thế này mà cờ tướng bị coi là bệ rạc,bê tha,đầu đường xó chợ.Chơi cờ,mê cờ không phải là điều xấu nếu không muốn nói là rất lành mạnh và văn hoá nhưng chơi kiểu này tôi e là có hơi hướng của cờ..bạc,cay cú nhiều hơn là đánh cờ giải trí.Có thể đây chỉ là 1 câu chuyện hư cấu nhưng nó chỉ là người ta phải suy nghĩ chút thôi vì quá ư bình thường.Mượn hình ảnh về cờ để nói lên 1 câu chuyện gia đình lục đục,đấu tranh nội ngoại tâm,nhan nhản và nhàm chán,chưa hẳn là 1 ý tưởng tốt.laugh.gif
Go to the top of the page
 
+Quote Post
SKELETON
post Mar 23 2009, 10:00 AM
Post #3


Advanced Member
***

Group: Members
Posts: 250
Joined: 26-January 05
Member No.: 352



QUOTE(Internazionale @ Mar 23 2009, 06:45 AM) *
Vì những chuyện thế này mà cờ tướng bị coi là bệ rạc,bê tha,đầu đường xó chợ.Chơi cờ,mê cờ không phải là điều xấu nếu không muốn nói là rất lành mạnh và văn hoá nhưng chơi kiểu này tôi e là có hơi hướng của cờ..bạc,cay cú nhiều hơn là đánh cờ giải trí.Có thể đây chỉ là 1 câu chuyện hư cấu nhưng nó chỉ là người ta phải suy nghĩ chút thôi vì quá ư bình thường.Mượn hình ảnh về cờ để nói lên 1 câu chuyện gia đình lục đục,đấu tranh nội ngoại tâm,nhan nhản và nhàm chán,chưa hẳn là 1 ý tưởng tốt.laugh.gif


Có gia đình đi rồi em sẽ hiểu: So với cuộc đời thì cuộc cờ thật là đơn giản !
Go to the top of the page
 
+Quote Post
tamaihanem
post Mar 23 2009, 12:00 PM
Post #4


Advanced Member
***

Group: Members
Posts: 190
Joined: 23-June 05
Member No.: 1,135



Trời, mới lấy vợ có 1 năm mà Ske đã cảm thấy khó khăn thế này rồi cơ ah? laugh.gif Hèn chi dạo này không thấy đi đánh cờ mấy. Không hiểu dạo này công lực đến đâu rồi nhỉ? biggrin.gif
Go to the top of the page
 
+Quote Post
nhoqua
post Mar 23 2009, 04:49 PM
Post #5


Member
**

Group: Members
Posts: 36
Joined: 16-December 04
Member No.: 141



Câu chuyện thật hay và có những nhận xét chính xác. Những hình ảnh thế này "say mê kiên nhẫn một cách đáng sợ" - cáu gắt với người thân khi bị giục hoặc thua trận - "toàn đàn ông con trai, già trẻ trông đều nhếch nhác" - hoặc đôi khi nghĩ cờ tướng thật là "vớ vẩn" - không có gì xa lạ với dân cờ. Người vợ nói ngay từ đầu "tôi chẳng biết gì về cờ tướng, không phải tôi dốt đường chơi" - nghĩ cũng ko phải một lời thanh minh. Ko biết gì về cờ hoặc biết mà chơi kém không có nghĩa là kém về trí tuệ - nhiều lúc tôi cũng ước là mình ko biết gì về cờ cả.

Ông Quách Anh Tú có nói về Trần Quới 1 câu "Nó tính cờ thì hay mà tính cho cuộc đời nó thì quá dở". Hoặc Văn Thuận chỉ vì thắng Lí Chí Hải một ván mà sạt nghiệp về sau. Dân cờ hầu hết là toàn người nghèo. Vì họ đã dốc phần lớn thời gian - tâm trí - sinh lực cho bàn cờ rồi, thì còn lại bao nhiêu mà toan tính cho cuộc đời?
Go to the top of the page
 
+Quote Post
NguyenDDung
post Mar 25 2009, 04:41 AM
Post #6


Newbie
*

Group: Members
Posts: 14
Joined: 16-December 04
Member No.: 142



bỏ rơi vợ con, chỉ biết đến Cờ =====> một người đàn ông tồi. Vợ của thằng cha này nhịn cũng giỏi wub.gif .
Go to the top of the page
 
+Quote Post
PhamGiaVoKiem
post Mar 25 2009, 04:52 PM
Post #7


Member
**

Group: Members
Posts: 51
Joined: 17-June 05
Member No.: 1,096



Mình chỉ cảm giác tác giả viết truyện cho có viết vậy thôi, thấy nội dung khiên cưỡng, văn phong thì kiểu kiểu mấy truyện ngắn Trung Quốc bây giờ.
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
1 User(s) are reading this topic (1 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



- Lo-Fi Version Time is now: 28th March 2024 - 06:52 PM