IPB

Welcome Guest ( Log In | Register )

> Cờ Toán Việt Nam: Khát vọng chinh phục thế giới
cchessfan
post Jan 24 2008, 02:21 PM
Post #1


Advanced Member
***

Group: Members
Posts: 84
Joined: 29-March 06
Member No.: 2,591



Cờ Toán Việt Nam: Khát vọng chinh phục thế giới

Ở dốc Suối Hoa, ngay giữa trung tâm thành phố Bắc Ninh có một ông già đa tài, đa đoan. Ông là Vũ Văn Bẩy, gần 70 tuổi, người nổi tiếng với tài bắt gôn bóng đá, với nghề nặn tượng, viết văn. Ông cũng là tác giả môn chơi trí tuệ Việt Nam “xịn”: Cờ Toán. Khát vọng của ông là Cờ Toán sẽ chinh phục thế giới, thể hiện Trí tuệ Việt Nam và triết lý sâu sắc về cuộc đời.

Tuổi thơ, chiếc xe đạp và Cờ Toán

Nhắc lại chuyện tuổi thơ, ông Bẩy cười có phần ngượng nghịu. Ông kể: “Năm 12 tuổi khi vẫn mê mải với những trò chơi khăng, đánh đáo, đánh cờ thì tôi… lấy vợ. Nào đã biết gì đâu về chuyện vợ chồng. Vì ông bố hứa “nếu cưới vợ thì cho cái xe đạp”, thích quá, háo hức quá nên đồng ý thôi”. Khi 19 tuổi, ông trở lâm vào cảnh “gà trống nuôi con”. Ông đã phải lăn lộn, làm đủ những công việc nặng nhọc nhất để nuôi 3 đứa con. Thế rồi, cứ mỗi lần nhìn các con lao vào những trò chơi vô bổ như mình ngày nhỏ, ông càng nung nấu suy nghĩ về một trò chơi hữu ích nào đó. Thế rồi những thế cờ Toán mang máng xuất hiện trong đầu ông. Ông bảo, nếu đem “chiếu” theo một lăng kính nào đó thì mọi chuyện trên đời này sẽ đơn giản, bớt nặng nề đi rất nhiều. Vốn thạo chơi cờ tướng, cờ trận, ông nghĩ nếu tất cả các phép tính dù đơn giản hay phức tạp đều được đem ra chơi với nhau thì Toán học sẽ không còn đáng sợ với con trẻ nữa. Lối tư duy ấy, cũng là cách để ông vượt qua những năm tháng khó khăn của cuộc đời mình.

Lúc đầu, trò chơi cờ Toán của ông chỉ là những phép tính đơn giản dành cho trẻ con, lâu dần có đủ cả các phép tính cộng, trừ, nhân, chia. Ông cũng không biết mình đã mất bao nhiêu thời gian để hoàn thiện trò chơi này. Cứ khi nào nghĩ được một thế cờ, ông lại mày mò cả đêm để thực hành. Ngay bộ quân cờ cũng phải đổi đến lần thứ 3, ông mới ưng ý. Lúc đầu quân cờ được đánh số, nhưng vì số 9 để ngược lại giống với số 6 và ngược lại nên ông chuyển sang sử dụng chữ số La Mã. Thấy cũng không ổn, ông chuyển sang lối dân dã, sử dụng các dấu chấm để biểu trưng cho giá trị của quân cờ. Các sốlẻ thì có chấm ở giữa. Thoạt đầu nhìn cũng hơi rối mắt nhưng chơi vài lần cũng quen. Đến những năm 80 của thế kỷ 20, trò chơi cờ do ông phát minh đã khá hoàn thiện. Ông đặt tên là Cờ Toán Việt Nam.

Hành trình lận đận…

Năm 1982, khi Cờ Toán Việt Nam đã được khá nhiều người biết đến và ưa thích, ông mang đến Uỷ ban khoa học tỉnh Hà Bắc nhờ thẩm định để phổ biến rộng rãi. Ông được giới thiệu lên Uỷ ban khoa học Nhà nước. Tại đây, bộ cờ của ông được giữ lại nghiên cứu. Dù nhận thấy trò chơi rất hay, thú vị nhưng Uỷ ban khoa học Nhà nước cũng không cấp bằng sáng chế cho ông. Đã thế, nhiều người còn nghi ngờ ông học mót ở đâu đó nên cứ hỏi đi hỏi lại rằng “nhà bác có những ai ở nước ngoài?” hay “bác đã đi nước ngoài bao nhiêu lần?”… Theo lập luận của ông các thế cờ chiến lược của Cờ Vua là luỹ thừa 16, Cờ Tướng là luỹ thừa 32 thì Cờ Toán là luỹ thừa của 187 (hiện đã rút xuống luỹ thừa của 87). Không một máy tính nào lúc đó có thể tính được luỹ thừa của 187 nên không ít người cho rằng ông bị… hoang tưởng! Sau đó, vì coi đây là trò chơi nên Cờ Toán của ông được giới thiệu sang bên khoa học xã hội và nhân văn. Thật vui và cũng buồn là nhiều người ở đây đem Cờ Toán ra chơi với nhau rất say mê, quên phéng chuyện cấp “giấy khai sinh” cho đứa con tinh thần của ông.

Không được cấp sáng chế, ông định tìm cách gửi ra nước ngoài để phổ biến. Tuy nhiên khi mang đến cơ quan xuất nhập cảnh, người làm thủ tục bảo: “Nếu chứng minh được đúng như lời bác thì bác sẽ bị tội làm mất bí mật quốc gia đấy”. Hoảng quá ông lại ôm cờ về.

Thế rồi qua rất nhiều thủ tục và hơn 20 năm lận đận, ngày 18-5-2005 Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật, Bộ Văn hoá Thông tin đã cấp giấy chứng nhận bản quyền số 712 cho Cờ Toán của ông. Thật khó diễn tả hết sự sung sướng, hạnh phúc khi ông nhận được tờ “giấy khai sinh” ấy.

Triết lý và khát vọng

Ông Vũ Văn Bẩy cho biết, Việt Nam đã có những truyền thuyết về “Trạng cờ”, và Cờ Toán là sự kế thừa, phát huy truyền thống văn hoá, thể thao của dân tộc. Đây là trò chơi trí tuệ nhưng cũng dễ chơi. Từ em nhỏ mới biết cộng trừ đến các giáo sư toán học đều có thể chơi Cờ Toán phù hợp với trình độ của mình. Bất kỳ ai đã biết luật chơi cũng khó dời xa được sức hút của Cờ Toán. Người mới học có thể chỉ chơi cộng, trừ, người khá hơn có thể chơi cả cộng, trừ, nhân, chia. “Cao thủ” hơn có thể chơi theo phép tính mũ, tính thập phân… hay chơi theo hoá trị trên bảng tuần hoàn Menđêlêép… Theo ông Bẩy thì tính cao siêu vô cùng tận, tính dân dã, bác học của Cờ Toán là vậy. Cờ Toán cũng kích thích tư duy tính toán, suy luận nên thực sự là một phương tiện cho học sinh, sinh viên “học mà chơi, chơi mà học” đầy hiệu quả.

Ông Bẩy rất tâm đắc với mục tiêu của Cờ Toán Việt Nam là “thân thiện – trí tuệ và sáng tạo”. Ông bảo rằng, ẩn sau mấy chữ này là một triết lí nhân sinh thật cao cả. Bởi lẽ ở đời cộng và nhân là tất yếu, người ta vơ vào cho mình là lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, ở đời cũng phải biết trừ đi của mình, biết chia cho người khác. Vì thế, trong các phép tính để tấn công hay phòng thủ của Cờ Toán, có lúc cộng hay nhân là hay, nhưng có khi phải trừ hay chia mới hiệu quả. Cuộc đời ai chẳng có lúc buồn – vui, nhận – cho, rủi ro – may mắn. Vì thế, chơi Cờ Toán, hiểu được triết lý nhân sinh ấy, sẽ thấy cuộc đời dễ chấp nhận hơn, có ý nghĩa hơn.

Theo ông Vũ Văn Bẩy, thật mừng là từ đầu xuân này, một giải đấu Cờ Toán Việt Nam sẽ được tổ chức thường nên ngay tại… nhà ông. Đó là sự khởi đầu, về lâu dài ông mong muốn Cờ Toán được phổ biến trong tất cả các trường học để giúp các em thích học toán và học có hiệu quả hơn. Với triết lí cuộc đời và cũng vì “Toán học thì ở nước nào chả giống nhau” nên khát vọng của ông là Cờ Toán Việt Nam sẽ chinh phục người chơi trên toàn thế giới.

Hà Phương

HLV Nguyễn Minh Thắng, Liên đoàn Cờ Việt Nam:

Cờ Toán rất tốt cho phát triển trí tuệ

Cờ Tướng, Cờ Vua, Cờ Vây hiện vẫn có những tranh cãi về nguồn gốc giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, chưa thể khẳng định 100% là có đầu tiên ở nước nào. Thái Lan cũng có môn cờ riêng rất thú vị. Vì thế, nếu Cờ toán chứng minh được tính hấp dẫn, được nhiều người hưởng ứng chơi thì càng hay, bởi đây chắc chắn là cờ của Việt Nam, đã được cấp chứng nhận bản quyền.

Tuy nhiên, việc tuyên truyền, đưa được một môn cờ vào cuộc sống cần rất nhiều thời gian. Khi đã có một số lượng người chơi thường xuyên nhất định thì Liên đoàn Cờ sẽ có những khảo sát để xem xét công nhận và đưa vào hệ thống thi đấu quốc gia.

Tôi chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ về Cờ Toán Việt Nam, nhưng sơ bộ có thể nhận thấy đây là môn cờ rất hay, rất trí tuệ và có độ khó cao. Một em nhỏ chưa biết chữ, chưa biết phép tính cũng có thể chơi Cờ Vua, Cờ Tướng hay Cờ Vây, còn với Cờ Toán, chắc chắn các em phải thuộc các phép tính trong bảng cửu chương thì mới chơi thành thạo được. Vì thế, nếu triển khai sâu rộng được trong hệ thống nhà trường thì rất tốt cho việc rèn luyện tính toán, trí nhớ cho các em.

Luật chơi Cờ Toán Việt Nam

Bàn cờ: Hình chữ nhật cỡ 350 x 450mm, chia đều thành 99 ô vuông, mỗi cạnh 35mm, ô số 5 trong hàng ngang thứ 2 mỗi bên có đường chéo của 4 góc vuông là vị trí cố định của quân cờ số không (0).

Quân cờ: Hình trụ tròn, cao 10mm, đường kính 20mm, mỗi bên có 10 quân, màu sắc khác nhau. Quân số 0 có hình bộ não người, màu xám trắng. Những quân cờ còn lại dùng dấu chấm tròn sẫm màu biểu trưng của các số nguyên đơn từ 1 đến 9.

Xếp quân: Hai bên cùng xếp quân vào hàng ngan dưới cùng, thứ tự từ 1 đến 9, từ trí sang phải, quân số 0 xếp vào ô có dấu chéo, phía trên ô số 5.

Cách đi: Quân số 0 không được di chuyển, những quân còn lại đều được đi thẳng theo 4 chiều dọc ngang và 4 hướng chéo Đông, Tây, Nam, Bắc. Mỗi ô trống trên bàn cờ là một nước đi. Số bước đi tuỳ theo số của quân cờ, quân có trị số nhiều có thể thực hiện bước đi thấp hơn. Ví dụ quân số 9 có thể đi từ 1 đến 9 ô trống.

Cách bắt quân: Phải có 2 quân bên mình đứng trong 2 ô liền nhau để lấy trị số của 2 quân tính nhẩm cộng, trừ, nhân, chia với nhau. Đáp số của mỗi phép tính ấy là điểm được bắt quân đối phương. Chỉ đánh số nguyên đơn từ 1 đến 9, quá 10, 20 hay 30… thì trừ đi. Riêng phép tính chia được đánh cả số dư. Ví dụ 8:5 = 1 dư 3. Như vậy có thể bắt quân ở ô số 1 hoặc ô số 3 theo hướng đi quân.

Kết thúc 1 ván cờ: Mỗi chấm trên mặt quân cờ tương ứng 1 điểm. Hai bên thoả thuận thang điểm cho mỗi ván đấu là 10, 20 hay 30… điểm. Nếu bắt được quân số 0 là thắng tuyệt đối. Một cuộc chơi có thể thoả thuận 3, 5 hay 7 ván nhưng nếu bên đang bị dẫn điểm bắt được quân số 0 cũng giành chiến thắng tuyệt đối, kết thúc cuộc chơi.
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Posts in this topic


Reply to this topicStart new topic
1 User(s) are reading this topic (1 Guests and 0 Anonymous Users)
0 Members:

 



- Lo-Fi Version Time is now: 28th March 2024 - 10:07 PM