PHÓNG SỰ - KÝ SỰ

Sài Gòn cờ “độ” tác giả MINH TÚ đăng trên các số báo SGGP tháng 8 năm 2008

Bài 1: Cái nghiệp đời người[/b]

Người ta có thể có nhiều nghề để làm, nhưng kiếm sống bằng cách… lang thang đi chơi cờ tướng, có lẽ không thể gọi là nghề. Theo “kỳ vương” Trần Đình Hòa, cờ tướng, là một cái nghiệp. Hơn thế, nó còn là đam mê đeo đẳng cả kiếp người…

Mảnh bằng... trong tủ


Chơi cờ ở khu Miếu Nổi - Bình Thạnh.

Nguyễn Huy Lam tiến chốt, tiếp tục trận đấu thủ đài ở kỳ đài Nhà văn hóa Thanh Niên bằng thế “bình phong mã hiện đại”. Đây là một thế trận khá cơ bản đối với giới cao thủ cờ tướng, chuyên dùng cho những người đi sau, khi phải đối chọi với các cao thủ đi trước, tấn công bằng pháo đầu.

Thế trận bình phong mã vốn xuất hiện trong Mai Hoa Phổ từ thời nhà Thanh (Trung Quốc), nhưng cùng với sự phát triển của cờ tướng hiện đại, trận thế vốn có từ hơn 300 năm trước đã được cải biên thành những biến thế mới, có thể đối phó với những thế tấn công hung hãn của đòn “pháo đầu mã đội, cấp tấn trung binh”. “Tối nào mình cũng lên mạng, hoặc lật sách ra nghiên cứu. Mình vừa tải về toàn bộ các ván đấu mới nhất tại giải vô địch Trung Quốc. Đánh cờ tướng bây giờ, không rành khai cuộc, không kịp cập nhật những thế trận mới nhất, có thể thua lãng xẹt một tay “cờ ma” nào đó, nếu để lọt vào một thế trận đã từng diễn ra bên… Trung Quốc”, Lam nói.
Lam là một trong các kỳ thủ trẻ có chút tiếng tăm của TPHCM, và ở một nơi được giới địa ốc cho rằng có thế “rồng nằm, cọp ẩn” (khu Miếu Nổi) nơi có hàng loạt “Quốc tế Đại sư” (đẳng cấp Quốc tế Đại sư được xem như tương đương với kiện tướng quốc tế và đại kiện tướng quốc tế - danh hiệu được công nhận trong cờ tướng). Vị trí cao nhất mà Lam từng giành được, là hạng 6 tại giải vô địch cờ tướng A2 toàn thành vào 2 năm trước.

Tuy nhiên, với đẳng cấp và độ “lì” đòn của mình, hiện nay Lam có thể tự tin để đối mặt cả với các cao thủ hàng đầu của Việt Nam như Trềnh A Sáng, Trương Á Minh, Mai Thanh Minh… Cái Lam trội hơn hết, là tuổi trẻ. Năm nay, Lam mới 30 tuổi và anh mới chỉ gia nhập làng cờ chưa đầy 10 năm nay. Lam thực sự chỉ mới gia nhập “làng cờ” từ khi học năm thứ 2 tại ĐH Kinh tế TPHCM và xem đây là môn thể thao trí tuệ. Với môn thể thao mà người ta có thể chơi ở đỉnh cao đến hơn 60 tuổi như cờ tướng, Lam vẫn còn là “kỳ thủ trẻ” và anh còn một chặng đường rất dài ở trước mắt.
Đó là con đường mà Nguyễn Huy Lam chọn, dù phải xếp mảnh bằng cử nhân kinh tế của mình… vào tủ, để thỏa niềm đam mê.

Cờ tướng giang hồ
Đối với làng cờ, các kỳ thủ thường được chia theo đẳng cấp. Theo HLV đội tuyển quốc gia Hoàng Đình Hồng, “tướng” là các cao thủ cấp kiện tướng quốc gia trở lên, những người “đánh cờ không ai chấp nổi 2 nước”. Dưới mức “tướng” đó, các cao thủ cờ tướng giang hồ thường gặp là hạng “tá”.
Tuy nhiên, tại các “làng cờ”, danh hiệu “tướng”, “tá” được phong một cách thoải mái hơn. Những cao thủ như Nguyễn Huy Lam, Thái “cao su” đã được gọi là “tướng” trong “xóm cờ” của mình.

Ở khu vực chung cư Miếu Nổi, quận Bình Thạnh, nơi Lam “thường trú” mỗi ngày, có rất nhiều “chuyên gia cờ độ”. Thái “cao su” là một trong số đó. Từng là một vận động viên trong đội tuyển Bình Thạnh trước đây, ông Thái nay đã hơn 60 tuổi, lấy việc đánh cờ tướng “độ” vừa như một thú vui lúc về già, vừa như một nghề để kiếm tiền tiêu.

Nổi danh trong giới cờ tướng với khả năng phòng thủ “dẻo như cao su”, ông Thái là một chuyên gia cờ chấp. “Những người đánh cờ để giải trí, chủ yếu đánh chỉ ở mức độ bình thường. Mình không chấp, người ta không dám chơi với mình. Muốn chơi được nhiều và được lâu, mới đầu mình chấp người ta một ít, sau cứ tăng dần lên. Chấp đến mức mà người ta không thể ngờ là người ta thua, mà cuối cùng người ta vẫn thua, mới có thể đánh được lâu”, ông Thái nói.
Theo ông Thái, ông từng là một thợ cơ khí lành nghề, làm đến bậc 6/7. Nhưng cái nghiệp cờ đeo đẳng ông, cuối cùng đã khiến ông bỏ việc. Bao nhiêu năm “lăn lộn giang hồ” từ trước năm 1975 đến nay đã rèn cho ông Thái một bản lĩnh đánh độ. Về cờ độ, cờ chấp, những người như ông Thái hơn hẳn dân học cờ bài bản như Lam. Mấy chục năm “trong nghề”, dù kiếm được rất nhiều tiền từ cờ tướng độ, nhưng ông Thái chưa bao giờ khá lên được. “Lúc kiếm được “nai” cũng phải chia nhau ra mà ăn, đánh thắng cũng phải đi nhậu à. Có lúc kiếm được nhiều tiền, nhưng cuối cùng, cũng chẳng gom góp được đâu”, ông Thái tâm sự.

Cái may mắn lớn nhất trong đời ông Thái, không phải là những lần gặp được “đại gia” nuôi cơm ông trong nhà hàng tháng trời và đánh độ với ông không sợ hết tiền, mà lại là… lần nhà ông bị cháy trong vụ cháy hơn 40 căn nhà ven kênh Nhiêu Lộc vào dịp tết năm 2004 (tháng 1 năm 2004) … “Nhà tui là nhà ổ chuột, ghép mấy mảnh tôn, mảnh gỗ lại. Tết năm đó, cháy 1 cái hết trơn, không chạy được cái gì, mà cũng có gì đâu mà chạy. Ai ngờ, cháy nhà dịp đó lại may. Thành phố cho tụi tui lên ở tạm chung cư, rồi viện trợ của khắp nơi đổ về. Nào mì, nào gạo, nào tiền. Cháy nhà mà có quá chừng đồ ăn tết”, ông Thái hể hả cười, khoe hàm răng… thiếu tùm lum.


Thư giãn với cờ tướng. Ảnh: HOÀNG ANH THƯ

Đối với các cao thủ cờ tướng giang hồ, nghệ thuật đánh cờ chấp và đánh cờ lừa là điều không thể thiếu. Khác với đánh cờ tại các kỳ đài hay giải đấu, đánh cờ độ, đánh cờ chấp, một trong các yêu cầu quan trọng là phải thủ dẻo, lạng khéo, đưa ván cờ vào những chỗ phức tạp, để người chơi bình thường không thể đưa ra những quyết định chính xác nhất. Mỗi khi người ta có sai lầm, đó là cơ hội của các cao thủ cờ “độ”. “Khi chấp quân, thì mình phải biết rằng, cũng là con xe, con pháo cả, nhưng ở trong tay mình, con xe phải mạnh hơn con xe họ, con pháo phải mạnh hơn con pháo họ”, ông Thái “truyền nghề”.
Khu vực chung cư Miếu Nổi có rất nhiều quán café chuyên đánh cờ tướng, “cọp” như ông Thái hay Lam cũng nhiều, mà “nai” (những người đánh cờ yếu nhưng có tiền), cũng lắm. “Buôn có bạn, bán có phường”, phần lớn các “cư dân thường trú” tại đây đều tụ họp thành nhóm, đánh độ một ván lớn tiền thì không chỉ một người cầm quân chơi, mà những người khác đều có thể hùn tiền theo. Thắng cùng ăn, thua cùng chịu. Tất nhiên, khi gặp “nai” chính hiệu, “công nghệ xẻ nai” của “hệ thống cọp” tại đây ít khi để cho “nai” trốn thoát. Tuy nhiên, dễ “ăn” nhất vẫn là các “con nai” thích chơi “cờ úp”, một loại cờ tướng biến tấu, rất phổ biến ở Sài Gòn, và hầu như chỉ phổ biến ở nội thành TPHCM từ hàng chục năm nay.

TPHCM không chỉ là nơi có nhiều điểm đánh cờ tướng độ, mà còn có nhiều “kỳ đài”, một dạng thi đấu cờ có thưởng hàng tuần, được các cơ quan hoặc cá nhân tổ chức. Trong mấy năm gần đây, TPHCM có nhiều kỳ đài nổi tiếng tổ chức hàng tuần hoặc thậm chí hàng ngày như kỳ đài Kỳ ngộ, kỳ đài Cung văn hóa Lao động, Kỳ đài Vọng các, kỳ đài NVH Thanh Niên… Phần thưởng cho người thắng cuộc thường là 100 ngàn đồng, hòa là 50 ngàn. Người thắng được làm “đài chủ”, thủ kỳ đài cho lần tiếp theo. Nếu ván cờ hòa, đài chủ tiếp tục được thủ đài. Tại các kỳ đài như vậy, thường có bình luận viên, bình luận sau mỗi nước đi của ván cờ tại bàn cờ treo bên ngoài cho khán giả xem.

Các kỳ đài tại TPHCM từng thu hút danh thủ hàng đầu khắp cả nước tham gia thi đấu.


Sài Gòn cờ “độ” - Bài 2: Ở thế giới 30 con úp ngược

Hơn 10 năm nay, “cờ úp” vẫn chưa ra khỏi nội đô TPHCM. Ở các quận huyện vùng ven, ít khi thấy một bàn cờ úp, trong khi ở nội thành, các quán cà phê cờ tập trung đông người, lại thấy đầy rẫy những bàn cờ mà trên bàn, các nắp nhựa đỏ chót, loại nắp của các hộp đựng vàng, được úp kín gần hết các quân cờ. Cờ úp hấp dẫn bởi tính may rủi và yếu tố bất ngờ cao…

Mập mờ xe pháo

Cái may rủi và cũng là sự hấp dẫn của cờ úp ở chỗ, chỉ trừ 2 con tướng mở mặt, còn lại 30 con cờ đều được úp lại bởi các nắp hộp màu đỏ. Sau khi 30 quân cờ được hai đấu thủ úp mặt xuống bàn, họ bắt đầu xào trộn lung tung các quân cờ, rồi đổi qua cho đối thủ “xào” thêm một lần nữa, trước khi đậy lên trên quân cờ những cái nắp hộp màu đỏ để che kín con cờ.

Họ lại đổi qua, xào lại lần nữa trước khi 30 con cờ đó được sắp vào các vị trí ban đầu của bàn cờ tướng thông thường. Khi được di chuyển, con cờ ấy mới được “mở mặt nhìn đời”. Sau một nước đi, nắp hộp mở ra, khi ấy, con pháo giả có thể là con sĩ, con xe được lật mặt… Và, khi ấy, các quân cờ mới bắt đầu đi theo đúng cách đi của con cờ đó trong bàn cờ tướng.

Bởi tính bất ngờ của cờ úp, việc các quân cờ lớn như xe, pháo sớm lộ mặt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả của ván đấu.


Chơi cờ úp ở TPHCM.

Cũng chính vì tính may rủi hiện diện trong ván cờ, mà các kỳ thủ ở Sài Gòn có thể đánh hoài mà không chán và vui tay họ có thể độ đến 1 triệu đồng một ván cờ.

Bỏ qua yếu tố cờ bạc mà một số người thích “độ” thì có rất nhiều người đam mê hình thức chơi cờ úp vì tính bất ngờ của một ván cờ đã hấp dẫn người chơi. “Hên xui thôi! Gặp ngày “hừng” cờ lên, mình vọt xuống là úp trúng con lớn liền à”, thầy giáo A nói.

Đối với dân cờ úp, trong các ván cờ này, chỉ có 3 phần may mắn, 7 còn lại là phần tài năng. Hai đối thủ ngang ngửa nhau vẫn có thể ăn nhau cả chục ván một ngày, nếu hôm ấy họ ra tay là cờ “đỏ”.

Với các tay chơi cờ để giải trí, hên xui chỉ thêm sự hấp dẫn thì đối với các “thợ”, chuyện hên xui là tối kỵ. “Đã làm “nghề” này, mà trông vào hên xui, thì có mà húp cháo”, do vậy họ phải có những chiêu thức riêng, những ngón nghề trong “nghệ thuật xào cờ”, “lên máy” sao cho phần “đỏ” luôn thuộc về mình.

Cùng với việc luyện tập chơi cờ, việc tập luyện cách “xào cờ”, “biết dấu” cũng là yêu cầu cơ bản để các “thợ” “ra giang hồ”. “Cái gì có úp xuống là có gian lận”, “kỳ hòa vương” P.Đ.H đúc kết tại một kỳ đài từ 6 năm về trước.

Lão kỳ thủ Thái “cao su” gắp một miếng tôm khô củ kiệu, chiêu một ngụm bia rồi khề khà giảng giải: “Cờ tướng thông thường thì kiểu gian lận duy nhất là có cao thủ ở ngoài, dùng ám hiệu để chỉ cho người trong cuộc. Máy một ngón tay, gõ ngón tay xuống mặt bàn, hay nhấp nháy mấy que hương điện trên bàn thờ đều có thể là dấu hiệu để hướng dẫn nước đi. Đối với cờ úp, nếu muốn gian lận, dễ hơn nhiều”.

Tìm ngọc giữa chốn “giang hồ”

Bí quyết quan trọng nhất để giành chiến thắng trong cờ úp là biết được xe, pháo… sau khi úp lại thì nằm ở đâu. Muốn biết con nào đang nằm úp mặt ở đâu trên bàn có 3 cách để biết, đó là: “điểm”, “mài” và “lên máy”.

“Điểm”, là cách làm đơn giản nhất, nói đơn giản hơn đó là “điểm chỉ” nghĩa là làm ký hiệu, đánh dấu lên các con cờ hoặc các chiếc nắp úp cờ. “Mài” thì cách ăn gian “cầu kỳ” hơn một chút, đó là phải mài các con xe, con pháo mòn đi một ít, chỉ thấp hơn con cờ bình thường từ 1 đến 2mm, người sử dụng quen bộ cờ đó có thể nhận ra ngay khi sắp cờ, còn người lạ đối với bộ cờ đó thì không thể nhận ra được. Cả hai cách này đều có một nhược điểm rất lớn là phải sử dụng đúng bộ cờ đó thì mới có thể gian lận được. Gặp bộ cờ lạ thì thua!


Chơi cờ, thú vui được nhiều người ưa thích. Ảnh: HOÀNG ANH THƯ

Cách cuối cùng, thường được sử dụng nhất và cũng là cách khó khăn mà chỉ cao thủ cờ tướng mới dùng, đó là “lên máy”. Cách này có thể “dùng” để phân cao thấp “trong nghề”.

Đã là cao thủ, thì úp cờ lại, xào lên xào xuống, đổi tay người khác xào, úp nắp, thậm chí nhờ người khác úp giùm, họ vẫn biết xe, pháo nằm đâu! Trong ván cờ úp mà biết được đâu là xe, đâu là pháo, thì khả năng chiến thắng đã là 70%-80%.

“Con mắt của cao thủ “lên máy” phải thật nhanh. Mắt của họ phải liếc qua liếc lại rất nhanh và trí nhớ của họ rất tốt nên dù úp mặt cờ rồi trộn nháo nhào thì họ vẫn kịp nhìn ra con xe, con pháo úp chạy đến đâu. Dân “lên máy” thường đội sùm sụp một cái nón lưỡi trai khi chơi cờ để đối thủ không biết mắt họ đang đảo liên tục như... máy”, ông Thái tiết lộ.

Trở lại với Nguyễn Huy Lam, bây giờ công việc chính của anh vẫn là đi dạy kèm cờ tướng cho một vài cậu bé mê cờ tại tư gia, thỉnh thoảng đánh độ vài bàn cờ. Khó có thể nói rằng nguồn nào là thu nhập chính của Lam trong hai loại công việc trên. Nhưng chắc chắn rằng, nếu chỉ dựa vào vài trăm ngàn đồng dạy kèm cho một lớp học cờ, Lam không thể đủ tiền để tiếp tục theo đuổi đam mê.

Con đường để vươn lên thành một VĐV chuyên nghiệp ở TPHCM, một “địa linh” đầy những “nhân kiệt” này, Lam hiểu còn rất xa với anh. Nhiều kỳ thủ trẻ tại TPHCM vì không thể chen chân vào đội tuyển TPHCM, đành phải tìm đường về đầu quân cho các tỉnh thành bạn, để được tham gia các giải quốc gia.

Còn Lam, vì vẫn muốn được đánh cờ tại TPHCM nên anh chấp nhận “chỉ là” một VĐV phong trào, tham gia trong đội tuyển cờ tướng cấp quận. Những đội tuyển đó chỉ trả tiền bồi dưỡng cho VĐV mỗi khi có giải và họ phải tự nuôi sống mình để chờ ngày đánh giải. Nói một cách đơn giản, đối với Lam và nhiều bạn trẻ tương tự tại TPHCM, con đường lên VĐV chuyên nghiệp, nếu có thể lên được, vẫn đang phải trải qua một giai đoạn… xã hội nuôi.

Thực tế, việc VĐV đỉnh cao trong cờ tướng được xã hội nuôi, hay góp tiền nuôi bằng nhiều cách, trong đó, có cả cách chơi cờ “độ” là chuyện nhiều chứ không riêng gì các vận động viên đang… “trèo” lên đỉnh cao như Nguyễn Huy Lam. Nhiều VĐV nổi tiếng bây giờ đã chỉ lăn lộn trên những bàn cờ “độ” trong nước, thậm chí, như Nguyễn Thành Bảo, một vận động viên tuyển quốc gia, đã từng có thời gian kiếm sống bằng nghề đánh “cờ độ” ở tận Trung Quốc.

Thẳng thắn mà nói, trong suốt những tháng ngày kiếm sống bằng đánh “cờ độ”, các VĐV cờ tướng đỉnh cao của Việt Nam đã học được không ít kinh nghiệm từ những bàn “cờ độ” giữa chốn giang hồ. “Túy kỳ tiên” Trềnh A Sáng - cao thủ hàng đầu tại Việt Nam hiện nay, được ghi nhận như là người đánh cờ ngửa, cờ úp số một - cũng là “điển hình” tiêu biểu cho trường phái đi lên từ “cờ độ” chốn giang hồ.

Có lẽ, không có môn thể thao nào mà được “xã hội hóa” rộng rãi như môn cờ tướng. Cờ tướng có mặt từ nơi sang và len lỏi đến từng ngõ ngách các xóm lao động. Có nhiều cao thủ “cờ độ” sống bền lâu với nghiệp cờ. Nhưng, bên cạnh ưu điểm của phong trào cờ tướng được “xã hội hóa” như cờ độ, cũng có không ít người gặp những hệ lụy do “cờ độ” mang đến khi quá đam mê nó…
"Trong bàn cờ úp, vì các quân cờ “giả” có thể giúp các con cờ tượng, sĩ đi qua giới hạn “hoàng cung” và qua “sông”, nên loại cờ này cho phép toàn bộ các quân cờ đều được tham gia chiến đấu, “sông” chỉ còn là một cột mốc của chốt.

Cách đánh của cờ úp vì vậy dù bắt nguồn từ căn bản của cờ tướng thông thường nhưng cũng có nhiều khác biệt cả trong việc ra quân và sử dụng sức mạnh của các quân cờ. Những cao thủ cờ úp là những người có thể sử dụng được sức mạnh của các con sĩ, tượng theo phong cách cờ úp."

NHỊP CẦU BẠN ĐỌC
Phản hồi
Không có chuyện cấm đánh cờ ở khu Miếu Nổi

Sau khi loạt phóng sự “Sài Gòn cờ độ” được đăng trên SGGP, liên tục mấy ngày qua nhiều bạn đọc đã gọi điện thoại đến báo cho biết: hiện nay nhiều quán cà phê trong khu vực Miếu Nổi đã không được phép đánh cờ nữa!

Theo thông tin ban đầu từ bạn đọc, chúng tôi đã gặp ông Trần Văn Bước, Trung tá, Trưởng Công an phường 3, quận Bình Thạnh, địa bàn có nhiều quán cà phê cờ được bạn đọc phản ảnh là không được cho đánh cờ! Ông Bước cho biết hiện nay công an phường đang tiến hành sắp xếp lại lòng lề đường trong chương trình chỉnh trang đô thị, chứ thực ra, địa phương không có chủ trương cấm đánh cờ tướng. “Chúng tôi chỉ làm việc với các chủ quán, cảnh báo không để xảy ra tình trạng đánh cờ cá độ ăn tiền trong quán. Về nguyên tắc, nếu phát hiện có tổ chức cờ bạc ăn tiền lớn, lấy xâu, chúng tôi sẽ bắt và truy tố theo luật hình sự. Còn đối với những người đánh cờ để vui chơi giải trí hay cá độ ly cà phê, điếu thuốc, chúng tôi không cấm”, ông Bước khẳng định. Cũng theo ông Bước, cờ tướng là môn thể thao trí tuệ, được tổ chức thi đấu trong nước và trên thế giới, vì vậy, chủ trương của phường không hề cấm chơi môn này, mà chỉ tìm cách sắp xếp sao cho nó được phù hợp hơn thôi!

Cứ như khẳng định của ông Bước, thì đúng ra, các quán cà phê đánh cờ tại khu chung cư Miếu Nổi không việc gì mà phải vắng tanh vắng ngắt. Thực ra tại các quán cà phê cờ này, những người đánh vui chơi hay chỉ ngồi xem cờ là chính, chuyện cờ bạc ăn tiền lớn, theo ghi nhận của chúng tôi, nếu có cũng ít hơn việc đánh cờ với mục đích vui chơi giải trí nhiều. Thế nhưng, đúng như phản ảnh của bạn đọc, trong mấy ngày vừa qua, những quán cà phê đánh cờ tập hợp nhiều cao thủ nhất mà chúng tôi đã viết trong loại phóng sự 2 kỳ kể trên, đã trở thành những quán cà phê vắng. Điều này, trước đây hoàn toàn không xảy ra. Nguyên nhân do đâu? Chúng tôi không khẳng định, nhưng theo một số bạn đọc phản ảnh, nhiều chủ quán đã nhận được yêu cầu từ công an khu vực là không cho khách đánh cờ nữa, và vì lời khẳng định “không cấm đánh cờ” của ông Trưởng công an phường, không biết vì lý do gì mà chưa thông suốt xuống các hộ dân ở đây, nên những người dân yêu môn thể thao trí tuệ này ở đây vẫn đành phải “nhìn nhau cho đỡ nhớ… cờ tướng”.

Có lẽ cũng cần khẳng định thêm rằng, cờ tướng thi đấu và cờ tướng giang hồ là hai thực thể gắn khá chặt vào nhau tại Việt Nam hiện nay, vì vậy, như bài viết của SGGP đã phản ảnh, những điểm đánh cờ như tại khu Miếu Nổi, thực ra cũng là những điểm nuôi dưỡng thể thao phong trào, là nơi có thể giúp làng cờ Việt Nam “tìm ngọc giữa chốn giang hồ”. Những điểm đánh cờ như vậy có khắp nơi ở TPHCM, và có lẽ, đó cũng là một yếu tố rất quan trọng để bao nhiêu năm nay TPHCM luôn là địa phương dẫn đầu cả nước trong các giải đấu cờ tướng, đóng góp nhiều vận động viên trong đội tuyển quốc gia tham dự các giải đấu quốc tế. Bởi vậy, bên cạnh việc cờ tướng giang hồ có thể xuất hiện tình trạng cờ độ (đôi lúc mang yếu tố cờ bạc), thì cũng không thể phủ nhận được đóng góp của cờ tướng giang hồ cho cờ tướng thi đấu. Vấn đề ở đây rõ ràng không phải là cấm đánh cờ tướng, mà là làm sao để hạn chế cái xấu, phát huy cái tốt mà thôi.

Cờ tướng, bên cạnh việc là một môn thể thao thi đấu, còn được xem như một loại hình sinh hoạt văn hóa có cả ngàn năm lịch sử của đất nước. Trong câu chuyện này, chúng tôi không muốn nói sâu hơn về lý do tan tác một làng cờ tại khu Miếu Nổi hay bất cứ ở đâu đó, chỉ muốn nhắn nhủ rằng, dẫu sao những điểm sinh hoạt vui chơi giải trí lành mạnh như đánh cờ tướng trên địa bàn là hoạt động nên gìn giữ. Nếu xét theo góc độ đạo lý, pháp lý hay góc độ an ninh trật tự, thì những làng cờ, xóm cờ, quán cà phê cờ cũng đều đáng để gìn giữ và phát huy, hơn là rất nhiều loại hình giải trí thiếu lành mạnh khác hiện nay.
MINH TÚ