Hàn Mặc Tử - nhà thơ có số phận kỳ lạ - Kỳ 5: Đây thôn Vỹ Dạ - bài thơ nhiều ẩn số


Bến đò Vỹ Dạ
Năm 1936, Hàn Mặc Tử từ Sài Gòn trở lại Quy Nhơn. Lúc này thân phụ Hoàng Cúc về hưu nên gia đình phải dọn về Huế. Cũng trong năm đó, chàng bắt đầu phát hiện những dấu hiệu của căn bệnh phong, nhưng chàng vẫn chưa quan tâm đến nó. Một thời gian rất lâu, căn bệnh mới phát mạnh.




Năm 1939, Hoàng Cúc nhận được hung tin nói trên từ Hoàng Tùng Ngâm. Nàng chuẩn bị một số tiền định gửi cho Hàn Mặc Tử uống thuốc nhưng không dám gửi. Nàng bèn gửi cho Hàn Mặc Tử một bức ảnh chụp cảnh nàng mặc áo lụa dài trắng đứng dưới vòm cây xanh mát. Nhận được ảnh, Hàn Mặc Tử rất vui. Chàng liền làm ngay bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ gửi ra Huế cho Hoàng Cúc.

Chi tiết trên là theo Nguyễn Bá Tín. Còn theo nhiều tác giả khác thì Hoàng Cúc không gửi ảnh mình mà gửi một tấm bưu ảnh có mây nước, có chiếc đò ngang với cô gái chèo đò, có khóm tre, có cả ánh trăng hoặc là ánh nắng chiếu xuống. Một thời gian sau, nàng nhận được thư của Hàn Mặc Tử. Kèm theo bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ gửi tặng, Hàn Mặc Tử viết: "Túc hạ! Có nhận được bức ảnh bến Vỹ Dạ lúc hừng đông hay là một đêm trăng? Và mấy hàng chữ của túc hạ gửi thăm, muôn vàn cảm tạ. Túc hạ còn nhớ đến người năm xưa, thế là phúc phận lắm rồi. Mong ơn trên xuống độ cho túc hạ thật đầy và mong rằng một mùa xuân nào đấy sẽ gặp lại được túc hạ cho phỉ dạ. Thăm túc hạ bình an vui vẻ".

Đây thôn Vỹ Dạ là bài thơ nhẹ nhàng nhất của Hàn Mặc Tử trong tập thơ Điên. Bởi lúc này chàng đang trong thời kỳ bệnh tật, đau đớn điên cuồng cả thể xác lẫn tâm hồn. Thơ của chàng luôn luôn là những gào thét uất hận, nghẹn ngào. Bài thơ này, Nguyễn Bá Tín cho biết nguyên cái tựa ban đầu của nó là Ở đây thôn Vỹ Dạ. Nhưng về sau đã được biên tập lại, bỏ đi chữ Ở. Trong bài thơ, hình ảnh hàng cau được nhiều người khen ngợi, nhưng lại đem đến thắc mắc cho chính người được tặng thơ là Hoàng Cúc. Nàng đã không hiểu vì sao Hàn Mặc Tử lại viết câu thơ "Sao anh không về chơi thôn Vỹ/Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên". Thôn Vỹ Dạ, nằm bên kia Đập Đá, cư dân ở đây phần lớn thuộc tầng lớp thượng lưu. Kế thôn Vỹ Dạ là thôn Nam Phổ, một thôn bình dân, sống bằng nghề trồng cau. "Mua vôi chợ Quán chợ Cầu. Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh". Cau Nam Phổ nổi tiếng khắp cả nước. Hằng năm đến mùa cau, già trẻ gái trai trong làng đều có thể trèo cau, hái cau để bán. Các cô gái Nam Phổ nổi tiếng trèo cau giỏi. Vì thế có câu "Con gái Nam Phổ ở lổ trèo cau". Những cô gái khuê các vùng Vỹ Dạ rất sợ bị xếp vào diện câu ví đó. Và vì thế ít ai chịu trồng cau ở Vỹ Dạ. Như vậy, thì vì sao Hàn Mặc Tử lại lấy hình ảnh cây cau như là một biểu tượng cho thôn Vỹ Dạ?

Bài thơ cũng tạo ra rất nhiều sự khó hiểu đối với độc giả trong các chi tiết khác. Chẳng hạn mấy câu thơ "Mơ khách đường xa, khách đường xa. Áo em trắng quá nhìn không ra" và "Ở đây sương khói mờ nhân ảnh. Ai biết tình ai có đậm đà?". Có nhiều ý kiến lý giải khác nhau, trong đó thậm chí có người cho rằng khổ thơ này chỉ những nàng kỹ nữ sông Hương như trên báo Giáo Viên Nhân Dân số tháng 1/1990. Theo ý kiến một số người, hình ảnh "áo trắng nhìn không ra" là do Hoàng Cúc mặc chiếc áo dài màu trắng mà tấm hình cũ quá nên Hàn Mặc Tử không thấy rõ. Còn "sương khói mờ nhân ảnh" thì Nguyễn Bá Tín cho rằng có thể là Hàn Mặc Tử muốn nói đến đời sống khói nhang cõi thiền của Hoàng Cúc.

Ngày tháng ra đời của bài thơ cũng gây bàn cãi. Trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật số ra ngày 7/1/1990, tác giả Đào Quốc Toàn viết: "Bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ chỉ có thể được viết trong khoảng 1936-1937 chứ không thể viết vào năm 1939 được, bởi vì bài thơ này được Hàn Mặc Tử tập hợp lại ở tập Đau thương trong thời gian cuối 1937 đầu 1938. Tập thơ này gồm khoảng 50 bài thơ, lúc đầu lấy tên là Thơ điên".

Đây cũng là vấn đề khó làm sáng tỏ. Hàn Mặc Tử sáng tác bài thơ này trong thời điểm nào? Nếu căn cứ vào trí nhớ của Hoàng Cúc thì bài thơ ra đời vào năm 1939. Trong thư gửi cho Quách Tấn vào ngày 15/10/1971, Hoàng Cúc viết: “Vào khoảng hè 1939, Ngâm viết thư về Huế cho biết Tử mắc bệnh nan y, và khuyên tôi nên viết thư thăm Tử, để an ủi một tâm hồn đã vô cùng đau khổ. Thay vì viết thư thăm, tôi gửi bức ảnh phong cảnh vừa bằng cái carte-visite. Trong ảnh có mây, có nước, có chiếc đò ngang với cô gái chèo đò, có mấy khóm tre, có cả ánh trăng hay ánh mặt trời chiếu xuống nước. Tôi viết sau tấm ảnh mấy lời hỏi thăm sức khỏe Tử mà không ký tên, rồi nhờ Ngâm trao lại. Sau đó một thời gian, tôi nhận được bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ...".